Thứ Tư, 28 tháng 1, 2009

Khai phím đầu xuân

Hôm nay đẹp ngày, khai phím đầu xuân nè.

Năm 2009, dự báo tình hình kinh tế khó khăn nhưng ẩn chứa nhiều cơ hội thách thức để thừa cơ chộp lấy. Đầy hy vọng …

Quá nhiều lời chúc đã đến với Mít tôi nhân năm con Trâu vàng. Đa tạ các huynh đệ tỉ muội gần xa…

Năm nay, phải gắng cho xong dự án Sách, cộng với 2 dự án Kim Kê, dự án new TV show… đương nhiên là những dự án báo chí đang chạy ngon trớn.

Em yêu công việc

Em ghét chứng khoán

Em mong ước thế giới nhanh chóng phục hồi, tạm ngưng chiến tranh ở dải Gaza

Em yêu Hà Nội, yêu các bạn bè…

Em thích màu xanh nhờ nhờ của tờ đô la hoặc tờ 500.000 …

Em mong năm mới, mọi ước mơ của em thành hiện thực. mọi dự án của em suôn sẻ và thắng lợi giòn giã như pháo Đồng Kỵ quê em.

Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2009

văn khấn Giao thừa Mậu Tý 2008




Dưới đây là bài văn khấn Giao thừa Mậu Tý 2008. Gia đình anh em nào có cũng đêm Giao thừa thì có thể in ra để khấn.

VĂN KHẤN TẤT NIÊN



Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô A Di Đà Phật.

Nam mô Đương Lai Giáo Chủ Di Lặc Tôn Phật.

Kính lạy : Hoàng Thiên hậu Thổ chư vị tôn Thần .
Ngài Kim niên đương cai Thái tuế chí đức tôn Thần .
Ngài bản cảnh Thành Hoàng chư vị đại Vương .
Ngài bản xứ Thần linh Thổ địa . Ngài định Phúc Táo quân . Các ngày Địa Chúa Long mạch Tôn Thần và tất cả các Thần linh cai quản trong xứ này này .
Chư gia Cao Tằng Tổ khảo tỷ tiên linh nội ngoại.

Hôm nay là ngày 30 tháng Chạp năm...
Tín chủ của chúng con là : …
Ngụ tại : …

Trước Án tọa kính cẩn thưa trình : Đông tàn sắp hết , năm kiệt tháng cùng , xuân tiết gần kề , minh niên sắp tới . Nay là ngày 30 Tết , chúng con cùng toàn thể Gia quyến sắm sanh phẩm vật hương hoa , cơm canh cụ soạn , sửa lễ Tất niên , dâng cúng Thiên Địa , Tôn Thần , phụng hiến Tổ tiên , truy niệm chư Linh . Theo như thường lệ Tuế trừ cáo tế , cúi xin chư vị Tôn Thần , Liệt vị Gia tiên , bản xứ tiền hậu Chủ hương linh , giáng lâm án tọa , phủ thùy chứng giám , thụ hưởng lễ vật , phù hộ cho toàn Gia , lớn bé trẻ già , bình an thịnh vượng . Ai ai cũng chăm làm việc thiện, dù làm được vô số việc lành cũng không chấp công, kể công. Xin Độ cho chúng con mọi duyên thuận lợi , công việc hanh thông . Người người được chữ bình an , tháng ngày được hưởng phần lợi lộc . Âm phù - Dương trợ , sở nguyện tòng tâm . Bốn mùa không hạn ách nào xâm , tám tiết có điềm lành tiếp ứng .
Dãi tấm lòng thành ,
Cúi xin chứng giám .
Cẩn cáo .


VĂN KHẤN GIAO THỪA NGOÀI TRỜI .


Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô A Di Đà Phật.

Nam mô Đương Lai Giáo Chủ Di Lặc Tôn Phật.
Kính lạy :
• Đức đương lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật .
• Hoàng Thiên hậu Thổ chư vị tôn Thần .
• Ngài Cựu niên đương cai Hành Khiển.
• Ngài đương niên Thiên Quan...
• Ngài bản cảnh Thành Hoàng chư vị đại Vương .
• Ngài bản xứ Thần linh Thổ địa . Ngài định Phúc Táo quân . Các ngày Địa Chúa Long mạch Tôn Thần và tất cả các Thần linh cai quản trong khu vực này .
Nay là giờ phút Giao thừa năm ….
Chúng con là : …
Ngụ tại :…

Phút thiêng Giao thừa vừa tới , năm cũ qua đi , đón mừng năm mới , Tam Dương khai Thái , vạn tượng canh tân . Nay Ngài Thái tuế chí đức tôn Thần trên vâng lệnh Thượng Đế giám sát vạn dân , dưới bảo hộ sinh linh tảo trừ yêu nghiệt . Quan cũ về Triều để khuyết , lưu Phúc , lưu Ân . Quan mới xuống thay , thể đức hiếu sinh , ban Tài tiếp Lộc . Nhân buổi tân Xuân , chúng con thành tâm sửa biện hương hoa vật phẩm , nghi lễ cúng trần , dâng lên trước Án . Cúng dâng Phật Thánh , dâng hiến Tôn Thần , đốt nén Tâm hương dốc lòng bái thỉnh .
Chúng con kính mời : Ngài Cựu niên đương cai, Ngài Tân niên đương niên Thái Tuế chí đức tôn thần Ngài bản cảnh Thành Hoàng chư vị đại Vương . Ngài bản xứ Thần linh Thổ địa Phúc đức chính thần. Các Ngài Ngũ Phương , Ngũ Thổ , Long mạch tài Thần . Các Bản Gia Táo Quân và tất cả chư vị Thần linh cai quản trong xứ này . Cúi xin giáng lâm trước Án , thụ hưởng lễ vật .
Nguyện cho chúng con : Minh niên khang thái , trú dạ cát tường . Độ cho chúng con mọi duyên thuận lợi , công việc hanh thông . Người người được chữ bình an , tháng ngày được hưởng phần lợi lộc . Âm phù - Dương trợ , sở nguyện tòng tâm. Nam tử thanh cao, nữ nhi đoan chính, học hành tinh tiến, thương mại hanh thông, giúp đỡ mọi người cùng làm việc phúc. Bốn mùa không hạn ách nào xâm , tám tiết có điềm lành tiếp ứng .
Dãi tấm lòng thành ,
Cúi xin chứng giám .
Cẩn cáo .
Nam mô a di Đà Phật ( 3 lần )

Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2009

mong tiếp tục nhận được chỉ giáo

Chưa bao giờ nhận được comment tích cực, hay và dài thế cho bài báo trong entry trước. Bài trong entry này lấy bản full từ báo Thế giới nghệ sĩ số Tết

Xin cảm ơn các bạn. CMIV trân trọng lắng nghe và tiếp thu các ý kiến. Nghề báo bút sa gà chết, bản thân viết ra đã suy nghĩ kỹ đến tránh ảnh hưởng đến ai. Xưa nay, CMIV luôn chọn cách nhìn nhận trung dung nhất để viết. Được các bạn đọc và góp ý, MIV tôi tin rằng, mình sẽ viết bài sau chín chắn hơn bài trước

Đa tạ.

Xin post tiếp một bài nhận định riêng, mong tiếp tục nhận được chỉ giáo góp ý của các bạn. Hân hạnh

Làng nhạc Việt Nam 2008

nhân chuyện suy thoái kinh tế

Cơn suy thoái kinh tế như một vùng mây xám phủ lên bầu trời chung của làng giải trí trong nước. Đã không còn những cuộc rượt đuổi của những ông bầu lắm tiền nhiều của chỉ hòng đẹp lòng người đẹp. Không còn những cuộc trình diễn, những album mua danh… Bức tranh làng nhạc năm 2008 màu xám buồn và tưởng như không có nhiều đột biến nhưng hoá ra lại có giá trị như một năm bản lề, bước vào năm 2009 của hội nhập kinh tế. Giải trí nước nhà cũng vì thế mà hứa hẹn những thay đổi tích cực theo mô hình hiện đại hơn. Điểm qua vài hiện tưởng nổi bật, để cố tìm ra những niềm vui tích cực.

1- Nhân trường hợp Mỹ Tâm

Mỹ Tâm là một trường hợp thú vị trong cách hành xử nghề nghiệp. Thời buổi khó khăn, nhiều ca sĩ khác trông đợi vào tiền tài trợ để có cơ hội thực hiện những dự án “vĩ mô” như liveshow, tour sinh viên này nọ (nhưng thực tế cũng là để đánh bóng tên tuổi cá nhân mình). Đằng này, tuy không ồn ã như trước, thậm chí bị coi là xuống dốc, Mỹ Tâm vẫn chấp nhận việc kén chọn công việc cho mình. Từ chối một nhà tài trợ “máu mặt” để quyết định dốc tiền túi ra thực hiện dự án tour xuyên Việt theo ý mình. Không tuyên ngôn đao to búa lớn, không xuất hiện ở bất cứ một gameshow nào, không quá thường xuyên tham dự những show ca nhạc truyền hình… Mỹ Tâm rút vào những hoạt động của kế hoạch dài hơi. Liên tiếp 3 album được chuẩn bị tại Hàn Quốc, bước trên 2 dây: trung thành với cái cũ và chinh phục từng bước với cái mới. Mỹ Tâm của năm 2008 chững chạc và hoàn thiện từ giọng hát cho đến phong cách. Tất cả những cô công bố đều là những kế hoạch đã gần như hoàn thiện, từ ra mắt nước hoa mang tên mình, cho đến một quỹ từ thiện riêng hoạt động độc lập, cho đến việc tổ chức showcase quy mô giới thiệu các album mới. Các làm showcase (những chương trình giới thiệu album ở quy mô nhỏ gọn) thường thấy ở các nghệ sĩ Hàn Quốc. Nó bao gồm cả những hoạt động biểu diễn live, ra mắt báo chí, bán và ký tặng đĩa trực tiếp với người hâm mộ. Không lộ mặt ai là người đứng đằng sau điều phối các hoạt động của Mỹ Tâm (hầu như Mỹ Tâm đứng tên tất cả) nhưng rõ ràng kế hoạch của Tâm tỏ ra khá chi tiết và đồng bộ. Từ những hoạt động chuyên nghiệp này có thể thấy, những ngôi sao như Mỹ Tâm hoàn toàn có khả năng chi phối thị trường biểu diễn, tạo được những cơn sốt và giữ được thành quả cụ thể. Cách làm ấy ở Tâm báo hiệu sẽ thay thế dần đi những hoạt động đơn lẻ, cá nhân hoặc gia đình của các nghệ sĩ Việt Nam.

Sự đồng bộ và cụ thể trong kế hoạch công việc ngày càng tỏ ra là một yếu tố đắc dụng trong làng giải trí. Không thể còn những cơ hội từ trên trời rơi xuống, để một ca sĩ hạng 2 vụt sáng thành ngôi sao. Không còn những chương trình truyền hình phù phép như thủa nào… Nhân trường hợp của Mỹ Tâm, nhắc đến một đối trọng của cô trong năm 2008- Hồ Ngọc Hà. Người đẹp này ngay lập tức lấp chỗ trống truyền hình và quảng cáo mà Mỹ Tâm bỏ lại và trở thành nữ ca sĩ số 1 thị trường giải trí hiện nay. Đằng sau Hà cũng là một êkíp chuyên nghiệp của công ty Music Faces của nhạc sĩ Đức Trí. Sự thành công của Hà, cùng với nhóm ca sĩ của công ty này gồm Phạm Anh Khoa, Lê Hiếu, Phương Vy (Vừa gia nhập tháng 12.2008 là ca sĩ online Anh Khang và rất có thể là có thêm quán quân VietNam Idol 2008), M.Faces hoàn toàn đủ cơ sở để có thể thực hiện những dự án lớn đồng bộ. Việc thay thế Mỹ Tâm không dễ, nhưng để đạt được những gì Tâm có thì đối với Hồ Ngọc Hà và MFaces không khó. Vấn đề là bản thân Hồ Ngọc Hà và M.Faces không có ý thức soán ngôi đó mà mục đích tối thượng của họ là tạo ra được thị trường có thực dành cho họ. Mỹ Tâm có phần của Mỹ Tâm, M.Faces có phần của M.Faces. Mà phần của M.Faces khi họ có trong tay từ 1- 5 ngôi sao thị trường thì lợi nhuận và giá trị hợp đồng quảng cáo không nhỏ.

Cũng chung ý thức đồng bộ và kế hoạch hoá đường lối phát triển ngôi sao là công ty WePro của ông bầu Quang Huy (sinh năm 1980). Các ca sĩ của WePro gồm Ưng Hoàng Phúc, Phạm Quỳnh Anh, nhóm boyband 3 thành viên sẽ lần lượt tách riêng thành những ca sĩ độc lập. Trong năm 2008, chấp nhận sự im ắng vừa phải vì lý do khách quan (thị trường âm nhạc đi xuống) cộng lý do chủ quan (Át chủ bài Ưng Hoàng Phúc nghỉ hát chữa bệnh), bầu Quang Huy rút lui vào việc chuẩn bị nhân sự và tuyển lựa tài năng. Công ty này ngoài việc đào tạo và kinh doanh ca sĩ, năm 2008 chú trọng vào việc đào tạo nhân sự cho các khâu kỹ thuật: quay phim, dựng phim, sản xuất chương trình, nhạc sĩ sáng tác, hoà âm độc quyền… Họ tạo dựng cho mình một êkíp thiện chiến độc lập, phục vụ cho ca sĩ của họ. Và với WePro, ngôi sao của họ không cần phải là số một, nhưng phải trở thành những gương mặt hấp dẫn của thị trường. Mỗi cá nhân ngôi sao có một thị phần riêng, một công ty với nhiều ngôi sao sẽ chiếm lĩnh một thị trường rộng lớn.

Năm 2008, một bài toán kinh tế được đưa ra đối với các mô hình hộ kinh doanh nhỏ trước khi mở cửa thị trường 1.1.2009, phải cùng nhau hợp sức lại trở thành những doanh nghiệp kinh tế quy mô vừa hoặc lớn hơn. Làng văn nghệ Việt Nam ngoài các nghệ sĩ công chức của các đoàn nhà nước, hầu hết chọn lối đi freelance- hoạt động độc lập. Đó là một cách hoạt động tức thời của giai đoạn kinh tế những năm 90 của Việt Nam. Nhiều ca sĩ độc lập như Minh Quân, Nguyễn Ngọc Anh… đã bắt đầu nếm mùi đắng của sự tự do, chọn cách quay trở lại các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp như Đài Tiếng nói Việt Nam. Một số ca sĩ nổi tiếng đủ kinh tế để thành lập công ty riêng như Mỹ Linh có Công ty Diệu Thanh, Hồ Quỳnh Hương có công ty Diamond, công ty của Đàm Vĩnh Hưng có tên Tiếng hát Việt… Tuy nhiên, mức độ hoạt động của những đơn vị này vẫn chủ yếu ở mức độ quản lý thu chi cho ca sĩ chủ lực- kiêm ông chủ bà chủ của nó mà thôi.

2- Nhân trường hợp Đàm Vĩnh Hưng

2 năm trước, trong trường hợp tương tự của Quang Dũng và Hiền Thục, khá nhiều người khó chịu kiểu ca sĩ mà ra album rào rào. Nay thì Đàm Vĩnh Hưng phá kỷ lục luôn, với một năm 2008 ra 1 DVD liveshow, 1 album nhạc trẻ, 1 đĩa đôi nhạc vàng, 1 đĩa Giáng sinh và 1 đĩa nhạc Xuân. Đấy là chưa kể đêm Dạ tiệc trắng chơi ngông, một đêm hát trên 30 ca khúc… Đỉnh cao của Đàm Vĩnh Hưng đến khá muộn so với tuổi đời, nhưng có khác là bao thời đỉnh điểm kiếm tiền của Mỹ Linh, Phương Thanh, Quang Dũng… Ca sĩ là một nghề có thời thế, không biết nắm bắt thời thế thì vừa đánh mất vinh quang, vừa đánh mất cả tiền bạc. Đàm Vĩnh Hưng là một ca sĩ có phong cách, có giọng hát nhưng không hẳn là một ca sĩ nhiều tiên phong. Nhưng cái giỏi của anh này là luôn biết nắm bắt thị hiếu và đáp ứng nó bằng một cách của riêng mình. Vừa tham lam muốn sở hữu tất cả các đối tượng khán giả… không còn cách nào khác, Hưng phải đốt cháy cổ họng của mình trong tất cả các bài hát, các album, các chương trình. Giải Cống hiến 2007 (rất có thể sẽ là cả năm 2008 nữa) giành cho Hưng đúng luôn cả về khía cạnh Cống hiến năng lượng và thanh quản cho nghề hát.

Từ trường hợp của Hưng, nghĩ đến trường hợp của Đỗ Bảo. 4 năm trước, với album Cánh cung, Bảo lập một kỷ lục về sức tiêu thụ cho một album tác giả. 4 năm đứng trên thành công của chính mình, cắm cúi thực hiện những album riêng khá xuất sắc cho Tùng Dương, Tấn Minh, Ngọc Anh… Đỗ Bảo mới dám đưa ra sản phẩm Cánh cung 2 một cách rụt rè. Áp lực lớn từ thương hiệu cá nhân dồn lên tác phẩm mới, Bảo vừa tham vọng lập một kỷ lục mới, vừa lo lắng cho tay nghề mong muốn được nâng cấp 4 năm qua. Có thể nhiều người sẽ nói Bảo không khôn ngoan, không dám thừa thắng xông lên như những nhạc sĩ khác, dồn dập sản phẩm khi có thương hiệu… Nhưng sáng tác là một nghề không dễ ép, thường thì sản phẩm đầu tay là hấp dẫn bởi nó là tinh hoa. Nhưng càng tiếp cận những thứ dồn dập thứ cấp sau đó, càng thấy nhạt nhoà và đánh rơi cá tính. Trường hợp những album Lê Minh Sơn sau “Bên nhà ao nhà mình” là một ví dụ điển hình. Bởi thế sự lo nghĩ 4 năm cho một album riêng cho thương hiệu cá nhân của Đỗ Bảo là một điều đáng quý.

Là người làm việc chậm và ít, nhưng Đỗ Bảo lại là người góp vào năm 2008 một album đáng nghe hiếm hoi. “Cánh cung 2- Thời gian để yêu

3- Nhân trường hợp Idols

“Thần tượng”- Đích cuối cùng của những người dấn thân vào làng nhạc đã nói phía trên, âu cũng chả khác là bao của cả ngàn thí sinh ứng thí “Sao Mai điểm hẹn” và “VietNam Idol”. Nhiều người đã kỳ vọng lần đầu tiên trong năm có cả 2 cuộc thi hấp dẫn là SMĐH và VNI. sẽ đem lại một không khí sôi động, tưng bừng để chào đón một lứa những thần tượng mới. (Đấy là chưa kể thêm vài cuộc thi tiếng hát truyền hình nhạt như nước ốc ở 2 đài truyền hình cùng tên HTV). Vậy mà đến tháng củ mật, náo nhiệt chưa thấy nhiều và thần tượng thì cũng chẳng thấy đâu… Người ta đổ tại, không có tài năng để mà thi nữa rồi. Đúng, nếu như có quy định mỗi thí sinh chỉ được hát ở một cuộc thi thì đúng là chả còn ai để mà thi thố, những cuộc thi nhiều như nấm hiện giờ. Người ta cứ nghĩ SMĐH đào ra được lứa Tùng Dương (Nguyên giải nhất Giọng hát hay HN), Kasim, Ngọc Khuê (Giải nhì, giải ba Sao Mai)…Người tài, nhất là ở những cuộc thi hát, là người chịu thua cay đắng ở nhiều nơi, trui rèn giọng hát mà nên ngọc sáng. Tài năng không dễ ở trên trời rơi xuống, nhưng thần tượng thì… do công nghệ mà tạo ra cả thôi.

Điều gì đã khiến cuộc thi Pop Idols thành công trên toàn thế giới, ở bất kỳ quốc gia nào đủ tiền mua bản quyền và thực hiện đúng format của nó (kể cả Việt Nam). Điều gì đã khiến Sao Mai điểm hẹn tổ chức đến lần thứ 3 là thấy oải, không còn một chút sức sống nào hết? Xin thưa, do công nghệ sản xuất ngôi sao của 2 cuộc thi này khác nhau. Sao Mai điểm hẹn tham vọng “vớt váng” từ những nhân tố trẻ trong làng nhạc, thổi phù họ lên mây bằng độ phủ sóng độc quyền của Đài truyền hình quốc gia. Vớt váng 5 năm qua, lần sau lấy cặn lần trước, thì đúng là lấy đâu ra lắm “tài năng ca sĩ trẻ” cho đủ. Trong khi đó, VietNam Idol tuân thủ cách làm quốc tế, là đào tạo, tô vẽ thực sự cho họ và triển khai tốc độ đào tạo tăng dần trong khoảng thời gian kéo dài vừa đủ. Với cách làm của Pop Idol trên toàn thế giới, nhiều tài năng đã được khái phá thực sự, và nhất là Idols của họ đáng ứng đúng nhu cầu của từng thị trường.

Một câu chuyện thú vị không liên quan, một người nước ngoài đã hỏi người viết “Thủ đô mày có past food không?”. “Có, chúng tôi có KFC”. “Có starbuck không?”, “Không rõ, nhưng có cà phê Gloria Jeans”. “Vậy có Pop Idols chứ?”, “Ồ, có, có VietNam idol”. “OK, vậy nước mày cũng sắp công nghiệp rồi, ăn nhanh, uống nhanh và giải trí cũng nhanh”. Câu chuyện nhạt này hoá ra rất chính xác, ở các quốc gia lớn cũng vậy cả thôi. Với tốc độ sống, giải trí hiện đại như hiện nay, nhu cầu của truyền thông giải trí là giữ người xem vào màn hình, còn người xem cũng chỉ có như cầu được thư giãn thoải mái. Ngành giải trí cũng sẽ sớm cần phải có những dây chuyền công nghệ sản xuất ngôi sao nhất thời nhanh chóng. Còn việc lưu giữ giá trị của thành công với các thần tượng âm nhạc Việt Nam ư? Đó là trách nhiệm của họ. Và nếu còn thắc mắc, xin đọc lại bài viết này từ đầu.

Chu Minh Vũ

Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2009

Lại một chuyện lộn tiết về "đạo chích"

Lâu lắm mới lại có một vụ “ngứa mắt, lộn tiết” thế này.

http://netlife.com.vn/vn/machleo/43264/index.aspx

Bài của miềng, viết cho người ta. Thư ký toà soạn muốn cắt vì bài dài còn đt hỏi. Còn người copy ngang nhiên lại không thèm hỏi cái gì, cắt nguyên một đoạn thành một bài… sáng tạo và giật gân.

Tôi viết bài với tinh thần không thích mấy trò mèo câu kẹo thiên hạ dòm vào đọc vì hiếu kỳ. Tôi ghét mấy trò cắt dán của báo mạng. Tôi ghét những câu chuyện lên gân và thiếu chiều sâu của báo chí mạng nói chung.

Báo mạng lấy bài của tôi, lên án những người “chôm”, nhưng họ lại “chỉa” của tôi mà không có một tẹo suy nghĩ nào.

Thôi đành, ai đã đọc link trên, vui lòng đọc lại bản full, đầy đủ hơn cả bản đăng trên số Tết- Thể thao văn hoá Đàn ông.

Nhạc nhẹ Việt Nam

Tín hiệu vui từ những ồn ào

Năm 2008, không quá nhiều những thành quả, trái ngọt cho giải trí Việt Nam, đặc biệt trong lãnh địa nhạc nhẹ. Khán giả thì vẫn chú ý đến bề nổi, nhưng bị phản hồi là quá lãnh đạm và thờ ơ với đời sống ấy. Từ những bề nổi- là những hiện tượng - vụ việc đình đám - dưới đây, để tìm thấy những chuyển động thực của làng nhạc.

1- Án treo “đạo nhạc”

Hơn một lần, tôi được mời lên các diễn đàn truyền hình hoặc báo giấy để nói về hiện tượng này. Nhưng tôi đều từ chối với lý do rằng, không có ai đủ uy tín ở Việt Nam để phán xét các hiện tượng này. “Vầng trăng khóc”- Việt Nam đạo Thái Lan hay Thái Lan đạo nhạc chúng ta? Có giới hạn nào giữa việc đạo hoà âm và sử dụng beat hoà thanh mẫu? Ai là người có thể trả lời những câu hỏi này?

Xu hướng sáng tác của nhạc sĩ hiện đại không chỉ ở Việt Nam hiện nay đi vào xu hướng tối giản- gọn gàng về cấu trúc và hoà thanh. Sự đa dạng và biến hoá thể hiện trong cách thức sử dụng các chất liệu điện tử (thậm chí nhiều sound- âm thanh không có thực) để tạo ra một tổng thể âm nhạc. Xu hướng viết ca khúc trên giấy (dựa vào cảm âm và cảm xúc) của các tác giả âm nhạc trước đang dần được thay thế bằng cách sáng tác trên máy tính. Không chỉ riêng âm nhạc, sự phát triển của computer dần thay thế rất nhiều công đoạn sản xuất. Nếu không có nhạc sample, có lẽ sự phát triển của âm nhạc vẫn chỉ gọn gàng trong pop, jazz, blue và rock… dựa rất nhiều vào trình độ biểu diễn của nhạc công… Nhạc nhẹ Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới, với sự trở về và cống hiến của một thế hệ nhạc sĩ sinh năm 70 du học nước ngoài, được tiếp nhận hoàn toàn những giá trị của công nghệ. Sáng tạo của họ không giống thế hệ cũ, và giá trị nghệ thuật họ mong muốn cũng không “đụng hàng” các cây đa cây đề. Khái niệm về sự sáng tạo của họ không nằm gọn trong các tác phẩm âm nhạc để đời, mà là sự tìm tòi bất tận vào công nghệ đang chiếm lĩnh cả tất cả nền âm nhạc thế giới. Trong những nghi án về đạo nhạc, nhiều nhất là các nghi án “giống” và “bắt chước” chứ hiếm gặp trường hợp của “Tình thôi xót xa”… Mà đối với hầu hết các nhạc sĩ 7X, họ hoàn toàn không giấu diếm việc “bắt chước”, “học hỏi” và làm theo công nghệ nước ngoài, không chỉ trong sáng tác mà còn cả trong sáng tạo, sản xuất và cả đường lối nữa.

Đã đến lúc chúng ta cần thực sự bình tĩnh nếu như một khi nào đó bắt gặp các trường hợp Hà Hồ hát nhạc giống của K.Minogue hay Beyonce’, Mỹ Tâm sao mà giống BoA… Rất có thể, tất cả đều sử dụng chung một phần mềm công nghệ tạo sound, tạo beat giống nhau, cùng khai thác những ưu thế của tiết tấu sôi động đó… Chỉ có giá trị khác nhau ở chỗ, ai là người đi trước mà thôi… Nhạc sĩ sáng tác ở chúng ta thường mang và chịu một ám ảnh “nhược tiểu”. Họ phải mua phần mềm máy tính, phòng thu từ nước ngoài. Khán giả ngày nay thì quá dư thừa về văn hoá quốc tế (hầu hết nhạc quốc tế tràn vào Việt Nam qua đường download- “ăn cắp” cấp độ 2- thừa hưởng từ những chuyên gia hacker quốc tế), nhưng lại đàng hoàng đưa ra các phán xét “giống” và “khác”, “đạo”, “chôm chỉa”… rất vô thưởng vô phạt. Người sáng tác trẻ không có bảo hộ sự sáng tạo, và đồng thời cũng chẳng được bảo vệ trước phán xét của dư luận… Hội nhạc sĩ Việt Nam, chưa có đủ tầm để bao quát hoạt động của nhạc sĩ trong nước. Một số nhạc sĩ trẻ đã bắt đầu tìm đến các Trung tâm bảo hộ nhạc sĩ và tác phẩm ở nước ngoài cũng vì lý do này…

Sáng tạo ở Việt Nam nói chung đang lấm lét đi đến cánh cửa biên giới. Mục đích của nhiều người mang tâm thế “hội nhập” mãnh liệt hơn rất nhiều nhu cầu “đại chúng” tại thị trường Việt Nam. Việc giống về môtíp hoặc đi theo trào lưu nói chung không chỉ trong âm nhạc mà còn cả hội hoạ, điện ảnh, thời trang… Đó là một biểu hiện của sự “cách tân” thế hệ, họ muốn hoà nhập với dòng chảy đương đại và đại chúng của thế giới… Trở lại chuyện đạo nhạc, hãy trở lại với những “nghi án” 5 năm trước treo vào Huy Tuấn và Anh Quân “bắt chước” nhạc R&B cho album “Tóc ngắn” của Mỹ Linh? Nhưng sau 5 năm, vẫn những tác phẩm ấy, họ đường hoàng trở thành những nhạc sĩ – nhà sản xuất đầu tiên có trọn vẹn một seri album phát hành quốc tế. Đôi khi, sự lạnh lùng với dư luận có lẽ lại là một cách hay để làm việc của thế hệ mới hiện giờ.

2- Bài hát Việt, “tôi và chúng ta”

Ba năm nay, chương trình truyền hình “Bài hát Việt” kiên nhẫn duy trì để tạo ra một sân chơi thường kỳ cho các tác phẩm mới. Gánh nặng lớn nhất mà những người thực hiện chương trình này đặc ra cho nó là chữ “Việt”, gắng gượng để tìm cho thấy cái gì thuộc về âm nhạc Việt Nam. Thực ra cho đến nay, có 2 nhân vật được biết đến nhiều nhất trên thế giới thuộc về Việt Nam là Trịnh Công Sơn- với nhóm tác phẩm phản chiến và Nguyên Lê - một nghệ sĩ nhạc jazz tài hoa với ngón đàn guitar không đụng hàng dựa trên kiểu chơi guitar phím lõm của cải lương Việt Nam. Âm nhạc Trịnh Công Sơn có giá trị với cộng đồng và gây tiếng vang trên thế giới vì quan niệm nhân sinh của nó, đặc biệt là trong lời ca chứ không phải trong âm nhạc. Âm nhạc Nguyên Lê (chủ yếu là các tác phẩm hoà tấu, dựa trên chất liệu dân ca Việt Nam) có giá trị bởi tính sáng tạo tổng thể, được biết đến như những tác phẩm hoà tấu nhạc jazz đặc biệt với các nhạc cụ khác với nhạc jazz chuẩn (giọng hát và lời ca chỉ là thứ yếu, như một nhạc cụ truyền tải tác phẩm)… Chưa có tác phẩm âm nhạc đơn lẻ nào của Việt Nam mang tầm thế giới với đủ đầy ới a và nội dung thiết tha tự tình dân tộc cả. Như vậy với “Bài hát Việt”, nếu giành cho nó một trách nhiệm quốc gia đại sự là vươn ra thế giới thì hoàn toàn chưa phải lúc. Còn nếu đặt tiêu chí một sân chơi nội bộ thì có thêm nhiều điều đáng bàn.

Thứ nhất, việc phân chia quá nhiều khái niệm dòng nhạc và nhất là đưa ra một khái niệm “dân gian đương đại” không phải là một cách làm hay. Xu hướng sáng tạo pha trộn đang khá phổ biến, nhạc sĩ không muốn gò bó mình trong một chiếc áo khoác ngoài nào hết mà thích thú nhất là tìm tòi những cách làm riêng. Lịch sử âm nhạc Việt đã chứng minh thành quả của nhiều tên tuổi lớn như Nguyễn Tài Tuệ, Hoàng Việt, Đỗ Nhuận, Phạm Duy, Văn Ký… viết ca khúc rất thính phòng nhưng lại bằng chất liệu dân gian … Trong khi đó, khái niệm “dân gian đương đại” còn khá mơ hồ, bởi cách viết nhạc này không mới ở ta. Đương nhiên, nếu viết tác phẩm âm nhạc như bằng chất liệu dân gian, rõ ràng nó thuộc về Việt Nam, chỉ có người Việt Nam mới cảm nhận sâu sắc nhất. Khái niệm “dân gian đương đại” của Bài hát Việt làm nhiều báo chí, đặc biệt là khán giả nói chung lầm tưởng đó là các tác phẩm âm nhạc sáng tạo cấp tiến đặc biệt, làm khó dăm làn điệu âm nhạc Bắc bộ mới. Nhiều tác phẩm âm nhạc viết theo chất liệu dân gian miền Trung, miền Nam hầu như bị… bỏ rơi ngoài vùng này như một sự mất cân bằng. Trong khi đó, điều đáng nói nhất mang tính đương đại là việc sáng tạo hoà âm bằng computer của nhóm tác phẩm “đương đại” của Bài hát Việt lại không được nhắc đến.

Thứ hai, điều đáng nói đến nhiều hơn là bản lĩnh của khá nhiều tác giả trẻ tại sân chơi Bài hát Việt, cho dù khá nhiều nhạc sĩ chưa được giải vì … thiếu tính chất “Việt” trong nó. Ba năm, ngoài vài cái tên như Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Giáng Son, Võ Thiện Thanh, Lưu Hà An - thuộc lứa tác giả 7X, có rất nhiều những gương mặt nhạc sĩ mới bộc lộ tài năng: Lưu Thiên Hương, Lương Bằng Quang, Dương Cầm, Nguyễn Duy Hùng, Nguyễn Hải Phong, Nguyễn Đức Cường, Sa Huỳnh… Ở họ không có nhiều khái niệm về sự truyền thống phải ới a mới là Việt Nam, mà ở họ bộc lộ ngay sự kiên quyết phải khẳng định tác phẩm của mình là hiện đại. Các ca khúc của lứa nhạc sĩ này rất commercial, gọn gàng trong phát triển ca khúc (chủ yếu là Pop và R&B). Sự nắm bắt công nghệ giải phóng rất nhiều năng lượng sáng tác. Họ viết nhiều, đều tay, nhiều đề tài và được công chúng trẻ đón nhận, bởi nó tương xứng với văn hoá thế giới mà hàng ngày họ tiếp nhận. Lứa nhạc sĩ năm thứ 3 của Bài hát Việt đã được nhiều “cây đa, cây đề” công nhận để trao giải, đó mới là điều đáng mừng. Mừng vì thế hệ đi trước đã dung hoà được với những cái mới, bớt đi sự bảo thủ trong sáng tạo. Mừng vì có thêm một thế hệ nhạc sĩ trẻ sau thế hệ giao thoa- đã hứng nhiều đòn bởi sự “học hỏi” và “bắt chước” nước ngoài một thập niên trước đây. Họ sẽ làm dầy dặn hơn một thế hệ nhạc sĩ trẻ của Việt Nam hoàn toàn khác, khi cánh cửa hội nhập kinh tế đã mở ra hoàn toàn.

3- Hiện tượng Thuỳ Chi

Cô ca sĩ online đặc biệt này thực sự là một chuyện lạ. Trong thời buổi ca sĩ nhiều như nấm và hừng hực khát vọng chiếm lĩnh thị trường thì Thuỳ Chi lại từ chối tất cả cơ hội đến với mình, chỉ để giữ một giọng hát phi thương mại, trong sáng mà thôi. Thùy Chi là sản phẩm của thế hệ trẻ sống, giao lưu và giải trí bằng mạng Internet. Cô ấy là một ngôi sao ảo nhưng có giá trị thực. Hai năm trước, cả xã hội nhốn nháo vì những sự lên ngôi của dòng nhạc thời trang hát nói, vỗ ngực chan chát và tuyên ngôn vụn cho tình yêu. Nay, với Thuỳ Chi và sức lan toả của giọng hát trong sáng với những tác phẩm âm nhạc chính cô cho là hay, là đẹp. Thuỳ Chi giống như một ngôi sao lạc trong thế giới ảo vô lường những giá trị khác nhau. Một thực tế, xã hội ảo là nơi tập trung tất cả những mặt trái của xã hội hiện đại, nhưng giá trị lấp lánh của Thùy Chi cũng cho thấy không phải những gì thuộc về xã hội ảo ấy cũng là xấu. Sẽ còn có thêm những ai nữa sau Thuỳ Chi trong làng nhạc Việt Nam: Nguyễn Đức Cường, Anh Khang, Đinh Mạnh Ninh, hay nhóm nhạc trẻ Hà Nội M4U? Hay tất cả những con chim ẩn mình này đều đang muốn tận dụng một thị trường âm nhạc “đặc biệt” này để nổi lên trở thành những ngôi sao sân khấu như Bảo Thy hay Phạm Quỳnh Anh tận nước Bỉ xa xôi?...

Thế giới đã bắt đầu coi trọng thị trường mua bán âm nhạc trên internet là trọng điểm, thậm chí nhiều ngôi sao và nhà sản xuất không cần bán đĩa nhạc mà chỉ cần bán bài download trên internet mà thôi… Nhạc nhẹ Việt Nam đi sau, nhưng sớm muộn cũng sẽ up-date những bài học kinh doanh âm nhạc ảo này nhanh chóng.

Thị trường âm nhạc trên internet là có thực, chưa có đơn vị “quốc doanh” hay cơ quan quản lý nào dòm ngó đến nó. Ngôi sao ca nhạc Thùy Chi cũng là có thực, với đầy đủ tài năng và một tâm hồn âm nhạc phong phú….

---

Ba câu chuyện rời về thế hệ trẻ trong nhạc nhẹ trên đây, hy vọng là đem đến những niềm tin màu hồng khác, tốt đẹp đầu năm hơn là quá lo lắng vì một bức tranh giải trí bề ngoài ảm đạm năm qua. Chính giới trẻ là những người tạo lập ra thị trường, ra xu hướng và tạo ra ngôi sao cho âm nhạc Việt Nam. Hơn bao giờ hết, tuổi trẻ đang thực sự là một lợi thế của văn hoá.

Vĩ Thanh

Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2009

Entry for January 09, 2009

Sao bỗng dưng buồn quá. Dù đã xơi hết nguyên một đĩa củ đậu… HIC. Hoá ra chuyện ăn uống không làm mình hết buồn. Thậm chí buồn… thêm

Hôm nay về quê đám ma ông bác trưởng họ. Lại một kỳ gặp mặt họ hàng. cuối năm, toàn một câu quen thuộc. “thế nào,…” “bao giờ…”. Cứ như câu “Bác ăn cơm chưa?” “bác đi đâu đấy?” í. Cái sự quan tâm kỹ lưỡng sâu sát của Đảng và Họ hàng này khiến mình bực bội. Thôi, coi như có được cái mặt sầu thảm đi đám ma cũng hợp. Mẹ tíu tít bắt tháo khuyên tai và cất kính đen vào cốp xe. Sợ bố nhìn thấy lại bực cả miền.

Về nhà, mệt mệt mệt… Nghe bố nói ở quê mọi người đã 2 đêm không ngủ. Mình một hôm dậy sớm mà cũng đã mệt thế này rồi

?

?

?

?

?

?

?

Nhưng mà buồn đến tận bây giờ. Sao thế nhỉ?

Anh cứ ngỡ rằng rồi em sẽ yêu anh

Huyễn hoặc trái tim mình sẽ bình yên mãi mãi

Thứ Tư, 7 tháng 1, 2009

:)




Rất vui vì nhận được link bài thơ này.

http://diendan.teenuongbi.info/showthread.php?p=42084

Đây là bài thơ “thương mại” thời HHT nhưng cũng rất đáng nhớ. Hồi ấy, bịa đủ thứ để viết ra tiền. Nhưng quả thực, mấy năm đầu đời sống ở vùng đất mỏ cũng để lại nhiều cảm xúc không thể quên.

30 năm rồi, vẫn nhớ con đường lên nhà mình… đen ngòm. Mái nhà và hàng cây phượng sau nhà đen kịt vì bụi than… Nhớ chuyến xe ben đầu tiên, đi nhờ để đi về quê nội… Ngày ấy nghèo…

Con thợ mỏ
Mẹ ơi!
Có phải mẹ nhặt con lên từ hòn than đen lóng lánh
Trong tiếng cười vui, răng trắng thợ lò
Những vất vả, những âu lo
Cùng tay mẹ thô gầy nuôi con lớn.

Ngày còn bé con mơ làm thợ mỏ
Lái xe ben ì ạch núi sau nhà
Ước đứng dây chuyền đếm từng vất vả
Mơ được sàng than nhặt bỏ nỗi ưu phiền

Con đã lớn rời xa vùng đất mỏ
Xa những bàn tay thô ráp bắt rất chặt tay mình
Xa hàng phượng vẫn đỏ hoa tháng sáu
Tán lá đen phủ nặng đất ân tình

Con - hòn than đen ủ lửa đỏ trong mình
Vẫn nhen nhóm để chờ ngày bừng cháy
Sóng Hạ Long sớm nào choàng tỉnh dậy
Con đã đi rồi…
Sóng còn vỗ miên man.

Thứ Ba, 6 tháng 1, 2009

Tuần báo Tết




Tuổi tôi
Quê tôi cả thẹn, hay lo
Dòng sông vắng khách, con đò trầm ngâm
Bụi tre thích đứng cười thầm
Giàn bầu, giàn bí thích cầm tay nhau
Con chim sẻ nhớ bẹ cau
Con chào mào lại nhớ màu ổi ương
Làng tôi lắm ngách nhiều đường
Trẻ con theo phía trống trường mà đi
Mặt trời vừa giống hòn bi
lại vừa giống điểm bài thi hôm nào…
Tuổi tôi câu cá cầu ao
Chợt mong chẳng có con nào cắn câu
Tuổi tôi bám chặt lưng trâu
Vượt sông mà ngắm nhịp cầu bắc ngang
Tuổi tôi ra đứng đầu làng
Để xem màu nắng có vàng như hoa?
Tuổi tôi sục sạo khắp nhà
Tìm sao cho đủ tiếng gà ban trưa
Tuổi tôi chạy giữa cơn mưa
Thương con kiến cánh bay chưa kịp về
Tuổi tôi cắt cỏ ven đê
Những khi đầy gánh lại khe khẽ buồn
Tuổi tôi lúc ngắm hoàng hôn
Lo cho diều giấy vẫn còn trên cao…
Tuổi tôi có lối rẽ vào
Suốt đời bước thấp, bước cao- Tôi tìm…
Nguyễn Vĩnh Tiến

Đặc biệt yêu thích bài thơ này trong trang thơ Lục bát của Báo Tuổi trẻ Tết. Mạn phép anh Tiến chép ra đây.

Năm nào cũng vậy, cái nghề báo vất vả nhất đận cuối năm và hồi hộp nhất 2 tuần đầu năm dương lịch. Đây là thời điểm làm báo Tết, rồi hồi hộp chờ đợi sản phẩm không chỉ của riêng mình, mà của đồng nghiệp, của các bậc cao niên lão làng múa bút…

Nhận định chung chung, báo Tết năm nay không tưng bừng, không đẹp và không hấp dẫn bằng 3, 4 năm trước. Chắc tình hình nhiều TBT mới, nhiều định hướng mới… mà kinh tế thì eo sèo, lương lậu thưởng thọt chả đáng nên ai cũng xìu xìu.

Năm nay vài ấn tượng đầu tiên là Bìa Thanh Niên vẫn xấu. Tiền Phong bị giống Sinh Viên về layout 2 năm trước. Được cái lần đầu tiên không thấy Duyên dáng Việt Nam và Hoa hậu Việt Nam trên hai tờ này. Đọc báo thấy nhẹ… nhàng. Thanh Niên vẫn có điển hình vài bài siêu nhạt, ngược lại Tiền Phong có một bài thật sự hay của Nguyễn Mạnh Hà về Trần Tiến.

Pháp luật TP HCM và Phụ nữ có truyện Nguyễn Ngọc Tư. Hai tờ này báo ngày chả bao giờ đọc mà báo Tết năm nào cũng mua. Truyện ngắn của chị Tư được ưu tiên đọc trước, mênh mang là buồn “Đầu không ngoảnh lại” khiến một đêm trằn trọc. Không hẳn vì suy nghĩ về truyện mà tự dưng chong mắt đọc báo, mỏi tay mà mắt vẫn tỉnh như sáo…

http://sgtt.com.vn/detail78.aspx?ColumnId=78&newsid=45472&fld=HTMG/2008/1230/45472

Năm nay báo nhà không xài truyện trên tờ Tết, mà in nguyên đống kịch bản của Nguyễn Huy Thiệp. Vì thế, Tư người nhà góp mặt bằng tản văn… Đọc đỡ nghiền đi ha.

Năm nay báo Tết có vẻ bế tắc truyện ngắn. Văn nghệ trẻ chơi lại một vệt toàn truyện lão làng về nông thôn. Các báo khác không có gương mặt nào mới hoặc đủ hấp dẫn như 4 để đọc ngay. Để dành 2 truyện của Hồ Anh Thái và Lý Lan đọc khi rảnh… Hoá ra truỵên 4 trang của Phan Việt trên báo miềng hoá hay, hạng Top cũng nên.

Báo nhà thì không bàn nữa nha. Bà con đi mua mà đọc nhá. Đến tớ còn đi mua này…

http://sgtt.com.vn/detail78.aspx?ColumnId=78&newsid=45637&fld=HTMG/2009/0102/45637

Nói chuyện báo nhà, ngày xưa chỉ mơ là đi làm báo ít nhất có lần được ghi tên “Với sự góp mặt của những cây bút:…” bên cạnh các bậc trưởng thượng ở báo Tết Sài Gòn tiếp thị. Về báo cũng đã 2 mùa Tết rồi, hoá ra lại lười như quỷ, quên béng đi Giấc mơ Hồng ngày nào. Nhớ đận dăm bảy năm trước, có lúc ôm một cục tiền báo Tết to đùng mà ham… Mấy năm nay, Tết nhất chả còn khái niệm đi quơ tiền khắp các toà soạn nữa rồi. Hic…

Chắc miềng sắp đến tuổi hưu trí lên phường đọc báo Tết cả tuần rồi…

Hình minh hoạ không liên quan. Đây là nhân vật của miềng đợt Tết này. Chị Hương Thanh (việt kiều Pháp). Ai không biết thì đọc bài hoặc google há.

Nghe khói mùi thấy cay cay




3

Sắp xếp lại từng ngăn ký ức, Lật giở từng trang của cuốn album hình thời gian… tôi hít hà để ngửi từng mùi vương vẫn mãi. Nói thơ theo kiểu Trần Dần, tự dưng tôi thấy thời gian mùi. Mùi mẹ, mùi bà, mùi cha, mùi ông nội. Gia đình mùi, người thân mùi. Thân thương cả con mèo mùi…. Mùi lớn lên theo tôi, tôi biết đói với thức ăn mùi, biết náo nức với sách vở mùi ngày khai trường, biết tự hào với khăn quàng mùi. Lớn hơn biết chộn rộn giao thừa mùi, lá dong- xôi nếp- pháo tép đì đùng. Mùi tết nhất, mùi cuối năm nối đuôi mùi xuân mới… Rồi bốn vách mùi căn phòng sinh viên, ẩm dột mùi khi mùa mưa đến, ngột ngạt mùi khi dưới nắng chói chang. Bốn mùa mùi chen chúc giọt mồ hôi, vấn vương mùi mối tình đầu yêu dấu…

Bạn phương Nam lần đầu ra Hà Nội, đi giữa mùa thu hít hà mùi hoa sữa, thốt lên “Nghe mùi gì thơm vậy, mùi Hà Nội hả”. Ngộ nghĩnh thay cái cách nói “nghe mùi” của người Nam thay vì “ngửi mùi” của người Bắc. Ngẫm ra có cái hay, “mùi" nhắc cho người ta thấy cả âm thanh, gợi cả hình ảnh cơ mà. Mùi hoa sữa thì mơ về Hà Nội. Mùi cỏ cháy nhớ xứ cao nguyên. Mùi trầm nhang nhớ về gia đình nhỏ…. Ngũ quan cảm giác bình đẳng, thứ gì cũng có lợi thế định danh một nỗi niềm. Để nhớ thương, để nôn nao hay hồi cố tri tân thì nhiều lắm. Chọn dăm ba mùi đâu nói hết được đâu… Chỉ biết rằng giờ là người trưởng thành, mỗi lúc đi xa về, bước ra cửa máy bay đã muốn hít tràn căng một bầu thân quen cái mùi nóng ứa mồ hôi xứ Bắc, mở cửa taxi cho gió cánh đồng mang mùi đồng mùa vào tận chỗ ngồi. Đi xa thì nhớ thân quen, mùi đến trước đón chào người quen cũ. Khi đã thuộc một mùi, mới nghe đã như gần gụi. Khi đã nhớ một mùi, tâm tư chỉ muốn đến bên thôi.

Bạch Vân

Bản full đăng trên tạp chí Đẹp số Tết ta

Thứ Năm, 1 tháng 1, 2009

Entry for January 01, 2009

Cái này không biết có gọi là khai bút, khai súng, khai tay, khai phím hay khai mù gì không nữa.

Năm 09, áp chót của thập niên 0X mất rồi. Tam thập nhi lập, nghĩ thấy sợ

Năm 09, ao ước sao cho mình thêm sức khoẻ, giảm sức nặng. Có thêm nhiều cơ hội công việc, kiếm được thật nhiều tiền.

Năm 09, mong bố mẹ khoẻ, mong em gái lấy chồng đi … cho đỡ chật nhà.

Năm 09, mong cho riêng mình chỉ một giấc mơ sớm thành hiện thực

Năm 09, con Trâu đi bừa. Vất vả đây, nhưng hy vọng là một năm cầy sâu cuốc bẫm, chồng cầy vợ cấy…


Vậy thôi