Tôi không bao giờ cắt nghĩa những cơn mất ngủ của mình. Thường thì vì một bộ phim hay, một cuốn truyện quá lôi cuốn, một cuộc điện thoại đêm kéo dài… nhưng có khi cũng chỉ đơn giản bởi tại một ly cà phê. Tôi cũng là thằng tập hợp đủ thứ xấu xa: thuốc lá, cà phê, rượu (uống cũng tạm), bài bạc (trò này không quá lớn nhưng cũng khá thường và cũng kéo dài gặm nhấm những quỹ thời gian không đáng có)… Cô bạn thân thường nói, ăn thì ít thật đấy, nhưng ngủ dậy muộn, ăn uống không điều độ và đầy đủ thói hư tật xấu, nên mới bị phát tướng xấu xí. Có nhiều lần tôi nhìn thấy mình trong gương, nhận không ra. Phải mình đó không, đôi mắt thâm quầng, mí dưới dầy lên và đuôi mắt chút nhăn nheo. Mụn cám mọc từa lưa. Lật dưới tóc mái là cả những mụn bọc, động vào đau nhẹ nhẹ.
Hôm nay lại mất ngủ.
Vừa đọc xong 3 chương đầu của một cuốn tiểu thuyết buồn tình. Gã nhân vật chính trút hết tuổi trẻ vào những cuộc chơi… Tôi gấp lại trang cuối chương 3 và khẽ nhắm mắt. Lướt trong đầu cuốn phim quay chậm về quãng thời gian 10 năm của mình. Tròn 10 năm thành người thành phố. Trong cuốn phim ấy, tôi không dám nghĩ về hình ảnh của chính mình những ngày về trước.
Ngày ấy, tôi trong sáng và non nớt từ tuổi tác, vóc dáng cho đến gương mặt non sữa bước vào cánh cửa giảng đường đại học. Đó là một ngôi trường cổ kính bậc nhất và nằm ngay trung tâm HN. Bố mẹ gửi gắm tôi cho gia đình bác ruột một giáo viên lâu năm và tương đối khó tính. Gia đình tôi, bác còn oai hơn cả bố nữa, vì bác còn có thể mắng bố xơi xơi ra mà. Năm học đầu tiên, tôi phải đi bộ đến trường đại học dù cũng có một chiếc xe cuốc mới tinh. Tôi chỉ đạp chiếc xe phần thưởng này một tuần 2 lần với chiều dài khoảng 20km mỗi lần, từ phố Đặng Thái Thân về Từ Sơn và ngược lại. Thời ấy, chả bao giờ nghĩ là mình được đi xe máy và cũng chẳng thích phải bắt xe ô tô chật cứng từ Bến Nứa về nhà. Lững thững đạp xe qua cầu Long Biên, thả dốc mãi thì cũng tới Xe lửa Gia Lâm, qua cầu Chui, Lệ Mật, Cầu Đuống, Yên Viên, Dốc Lã, rồi cũng về đến nhà. Cũng không quá mệt vì quãng đường cứ ngắn dần khi từng cái tên trên lần lượt hiện ra trước mắt. Đôi khi thằng bé đó cũng tung tẩy chọn con đường đê Phú Thượng, ngắm nhìn dòng sông Đuống lượn quanh bãi ngô, bãi chuối dài tít tắp. Những vườn khế trĩu quả, những đám hoa cát đằng tím nhạt rũ hững hờ quanh ban công những ngôi biệt thự ngoại ô. Ngày ấy, thằng bé có thể tìm đủ những cảm hứng văn chương vừa thật, vừa giả, vừa ngây ngô, vừa ưu tư trước tuổi để đặt nó vào những bài thơ. Những sản phẩm đầu đời này được đăng tràn lan trên các tờ báo tuổi hồng và cho nó một khoản thu nhập kha khá, thêm một khoản tiền tiêu vặt 200 ngàn mỗi tháng của mẹ. Năm đại học thứ nhất êm ả trôi qua trong ánh mắt ngưỡng mộ của bạn cùng khoá- toàn những đứa nhà quê ra tỉnh như nó cả. Nó, có tiền, lại được bác cũng khá chăm chút cho cái quần cái áo (để đỡ ganh với thằng anh họ đang học cấp 3 Trần Phú). Bởi vậy nom ra, thằng bé tươm tất đáo để. Còn nhớ cái hình ảnh hồi đó, gầy gò trong chiếc áo jeans bạc may kiểu sơ mi, quần jeans cùng màu, tóc hai mái Quách Phú Thành mượt mà. (Ngày ấy được gội đầu trước khi đi học thích lắm, dầu gội 2 in 1 đâu có phổ biến như bây giờ)… Trong mắt mọi người, thằng nhà quê này cũng ra dáng công tử lắm. Cũng đã biết dẻo mồm nói văn, biết kiêu ngạo vừa đủ với mấy đứa bạn quê Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình …, biết lạnh lùng khoảng cách với mấy đứa con gái học gạo, xinh mà chẳng bao giờ dám tự mình làm đẹp… Năm thứ 1 kết thúc với 1 thằng bạn thân duy nhất là Thông, công tử con nhà giàu học chuyên Hải Dương. Thằng này thân nhất có lẽ vì tính 2 đứa giống nhau, học giỏi và biết hoà nhanh với những kiểu chơi thành phố. Cả 2 thằng đều ghét bọn Hà Nội kiêu ngạo không đúng chỗ và đến trường cứ khinh khỉnh với bạn bè. Còn lũ ngoại tỉnh lại chăm chăm vào việc học, cần mẫn dùi mài kinh sử ở ký túc xá. Hai thằng rong ruổi trên cái xe cuốc của nó lượn thành phố cho thuộc lòng phố xá, lượn lờ ăn kem trang tiền, kem xôi, chè thập cẩm… với ý thức tự mình khám phá văn minh đô thị…. Hồi đó còn nhớ 2 thằng cũng hay khoe nhau 2 cô bạn gái … ở quê. Mối tình đầu của mình là Thuý Nga, con gái lớp văn cùng khoá nhưng ít hơn mình 1 tuổi. Còn bạn gái của Thông là em Quỳnh Chi, xinh khét tiếng chuyên Nguyễn Trãi HD. Hồi đấy còn đọc thư tay của nhau nữa cơ mà… Thân thiết phết
Năm thứ 2, thằng bé bắt đầu tinh vi thực sự. Nó được chọn vào đội ngũ làm báo HHT, bắt đầu từ rất nhiều việc nhỏ để làm báo chí: học vào net, tìm kiếm hình ảnh, dịch tin, viết bài, viết rao vặt, làm trang mục mới … tiền kiếm nhiều hơn nhưng cũng đỡ thơ văn đi nhiều, đỡ chăm học đi cũng nhiều. Vết xước đầu tiên chính là thi lại tới 3 lần mới qua môn Toán Cao cấp 2. Hồi đấy, thằng Thông học vẫn amator mà giỏi phết. các điểm thi đều khá. Nó còn tự làm gia sư cho mình môn TOán xác suất trong một buổi chiều với các chìa khoá của môn. Và ngon lành, thằng bạn nó thi vèo một phát 8 điểm ngon ơ trong sự ngỡ ngàng của chính ông thầy bất đắc dĩ….
2 năm học đầu thời sinh viên kể ra cũng đáng nhớ. Thằng Lý Thông hoá ra rất biết lôi kéo bạn. Hai thằng cầm đầu Hội SV của lớp, khơi dậy đủ trò phong trào giữa cái trường vốn dĩ cứ lặng yên như viện nghiên cứu này. Nếu như lớp A2 có em Thanh Tú gầy nhẳng nhưng hay mặc váy màu ngang đầu gối, thì bên lớp A1 có 2 thằng, Lý Thông mặc quần Jeans vẽ con hổ to đùng ở đùi và thằng Mít thối mặc áo sơ mi đỏ choét đeo túi thổ cẩm đi học. Vui ra phết. 3 đứa này đập vào mắt khoá trên khoá dưới cho đến thầy cô bộ môn. Còn nhớ, 2 thằng này đi chùa Hương trái mùa với Hội SV trường. Mỗi đứa cuối cùng cắp được ra một bà chị khoá trên và phải lòng thêm 2 bạn gái cùng khoá. Thằng Lý Thông có thêm đại ca Huy, chị Liên và bạn Nha Trang. Còn thằng Mít thì cưa đổ ngay đại ca Thọ, chị Oanh và bạn Như Lan. Ặc ặc… đến là ác. học với nhau gần 2 năm, thằng Mít tán cho xong bạn Như Lan mới phát hiện ra cô bạn mình quê Nghệ An nhưng nói 2 giọng. Lúc đó, máu tinh vi nổi lên- Không yêu con gái Nghệ. Mối tình chớp nhoáng từ chùa Hương này chấm dứt ngay khi chỉ dừng lại một cái hôn vào má, những cái vòng khánh mua đôi, những cái cầm tay suốt dọc con đường dốc núi lên động Hinh Bồng, và chuyện đùa vợ vợ chồng chồng… Hâm phết
Kể ra 2 năm SV này để nhớ lại, những bước đầu tiên của thằng bé ngây thơ dấn thân vào nghề báo. Lúc đó nó không có tư duy nào về nghề nghiệp. Mọi cuộc chơi đều là để thử sức mình và muốn khẳng định cái tôi. Viết được mấy cái mẩu gọi là báo, đăng trên HHT chỉ đủ đi ăn chè cả tổ 12 người là cùng. Nhưng rất oai. Được có tên lên báo để làm lối lũ SV cùng trường hiền lành, để có thể đánh bóng cái hình thức so sánh mình với tụi SV thành thị, để làm màu làm mè cho cái tôi cũng đồng bóng ra phết.
Nhìn lại mình trong gương đi. Bụng to thấy ớn. Cơ bụng gần như biến mất từ thời ngồi ghế xoay trong phòng, và có xe máy năm thứ 3. Thay những lần đi bơi hoặc chạy sáng quanh hồ Gươm là những cuộc nhậu nhẹt trong KTX với u Thanh béo dốc Thọ Lão. (năm thứ 3 xin vào ở Ký túc theo lời rủ rê của Lý Thông). Mái tóc 2 mái rẽ ngôi bắt đầu được thay đổi sang các kiểu đầu San Woo, Lam Trường… bằng sự can thiệp của keo bọt … Sự thay đổi con người của tôi thực sự từ thời điểm này. Năng lực làm báo như được phát hiện; Sự khôn ngoan trong quan hệ với cộng đồng SV, trong KTX bắt đầu nảy sinh; Uống rượu, cắm quán, ăn cơm 3 nghìn; lập nhóm tư bản trong Ký túc … lập nhóm hội đồng CTV trong cơ quan báo SVVN HHT. Cả xấu lẫn tốt, tất cả những tính cách này bộc lộ ào ào. Một thằng bé bắt nhập thời cuộc nhanh chóng, ào ào và sống gấp, quên những điểm dừng và từ chối những khát vọng xa vời. Nó tính gần và lạnh đến mức, nếu nó cảm thấy để chơi được với tụi bạn cũ thì cần phải lạnh lùng và tẩy chay thằng Quang. Nó cũng có thể nghĩ đến rằng nếu nó lựa chọn tình bạn với thằng Quang, nó sẽ mất nhiều hơn những mối quan hệ khác.
Quang đi du học. Và giờ cậu ấy đã nhập quốc tịch Nga. Mấy lần về nước nó đều điện thoại cho mình. Cũng chẳng biết là có quá vô tình không, đều lạnh lùng, ờ mày à, mày về bao giờ. Chả còn thiết tha, chả còn kỷ niệm nào ép phải gặp mặt xem thằng bạn duy nhất thời cấp 3- từng là học sinh giỏi quốc gia 2 môn này.
Có lẽ tính tình xấu nhất đều đã bộc lộ từ năm thứ 3- lúc đó thằng bé gần 20 tuổi. Tôi chỉ nhìn thấy nó trong gương đến như thế thôi, kiêu ngạo và không lường trước được sự ngu xuẩn trong lý trí, cái giá phải trả cho sự đam mê không điểm dừng.
Nhìn thấy nó trong gương bây giờ là thằng đàn ông 27 tuổi. 7 năm rồi, bao nhiêu biến cố cuộc sống gia đình. Bao nhiêu giấc mơ đã thành. Bao nhiêu tình cảm đã vội vã nhận và trao. Bao nhiêu lần khóc nấc lên nhục nhã. Bao nhiêu đêm thức trắng nhìn mây trôi trên ban công tầng 14 ở đất Sài Gòn. Bao nhiêu tin đồn 7 phần sai và ít ra 3 phần đúng…. Tóc giờ đã có sợi bạc bên thái dương. Đuôi mắt dài hơn. Da sạm đi toàn phần chả biết bởi nắng hay bởi gió. Cái kiểu cười xả ga khoe răng khểnh hầu như không còn gặp lại. Sự hồn nhiên chỉ còn trong photo album. Chiếc hình trong ví hiện nay là những ngày cuối cùng ấy. Thằng bé tôi ngày đó thi thoảng nhìn tôi ngạo nghễ, thấy chưa, mày làm được gì hơn tao nào. Có lẽ mày thua đứt đuôi rồi, ngày đó tao cũng xông xênh, cũng hạnh phúc và khát vọng lắm. Nhưng tao trẻ và tâm hồn tao thánh thiện hơn mày nhiều
Bây giờ. Tôi. Mất liên lạc với Quang nghe đâu là tiếp tục học tiến sĩ bên Nga. Thi thoảng đi café với Lý Thông, giám đốc công ty tư nhân 2 con bế bồng. Không thể so sánh với bạn bè, nhưng đương nhiên cũng chẳng thể so sánh với bản thân mình 7, 8 năm về trước. Tôi quá tàn nát, quá rách vá sau bao tháng năm vùi dập với nhiều nghề, quăng quật cả Bắc lẫn Nam
Nhiều lúc nhìn lại mình, chắc chỉ dám tôi tử tế hơn nhiều khoảng 2 năm trở lại đây. Còn nhớ trước đấy có tin nhắn cho số máy 515179 ngày trước “Tao thấy mày trên Tivi, sao mày tàn tạ như vậy? Nhìn mày hoang đàng lắm”. Cái tin nhắn này khiến lúc đó tôi đã phải nhìn mình thật lâu trong gương nhà tắm. Oà khóc, khóc nức nở ấy. Cuộc sống cứ phải gồng mình lên thật cứng rắn và kiêu hãnh, cắn môi bật máu để vượt qua những hố dài, cưỡng mình quà những khát khao dục vọng, nhắm mắt xót xa cho những phút nhớ nhà và xoa dịu những bất đồng cái tôi với gia đình. Tôi đã phải trả giá đắt lắm. Chiếc bằng cử nhân nhận muộn. Tấm thân tàn tạ, nụ cười khép mỉm và trái tim khoá chốt nhiều ngăn về với Hà Nội. Tôi đã quá sợ hãi những lúc đói lả không tiền, những cuộc vui bất tận và cả mối tình dở dang. Tôi sợ những đêm lạnh nghe tiếng máy bay về Tân Sơn Nhất và nao lòng. Tôi sợ mùi tàn lửa hoá vàng mã làm nhớ đến ban thờ của gia đình. Sợ cả ngày lễ, ngày sinh nhật, cứ đều đặn đến dịp là bóc lịch đi qua….
Kìa tôi trong gương ơi.
Cuộc sống bây giờ của mày là gì. Người con gái yêu mày thổn thức trên phím đàn chờ trái tim mày rộng cửa. Tương lai mày yên ổn chờ mày hoạch định kế hoạch gần. Công việc cũng không quá thiếu nếu mày biết thu xếp sự hứng thú đứng sau nguyên tắc. Làm sao bớt đi sự lạnh lùng vô vảm, làm sao bớt đi những hứng thú qua mau, làm sao quên đi nhịp đập trái tim lỗi nhịp, làm sao tăng được trách nhiệm với họ mạc gia đình, làm sao dũng cảm tìm đến với tiếng đàn thánh thiện và trong veo….
Em yêu ơi. Có lẽ anh viết những dòng này cho em. Suốt một đêm không ngủ vì những đớn đau anh chờ em lắng dịu. Những vết chai tâm hồn muốn được an ủi thật mau. Thằng bé trong gương thánh thiện ơi, thằng bé 7 năm trước chênh vênh trên sợi dây thăng bằng ơi, thằng thanh niên 3 năm trước khóc trên tầng 14… Cả lũ chúng mày đều nhạy cảm. Cả lũ chúng mày đều ích kỷ như nhau. Dường như tao biết chúng mày rõ mười mươi. Sâu thẳm chúng mày đều thiện. bên dưới lớp lạnh lùng, bên dưới sự khôn ngoan, dưới cả lớp ích kỷ và lớp đam mê, vẫn còn dấu vết của viên ngọc lương tâm óng ánh. Từ một hạt cát con trai còn làm ra ngọc quý. Còn một chút hy vọng cuối cùng của thiện lương trên phím đàn, lẽ nào mày lại đánh rơi. Đừng đánh mất mình Mít ơi. Đừng đánh rơi nước mắt. Tất cả cơn mưa sẽ về với cỏ xanh tươi.