Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2006

Tình yêu dưới lòng đất




Ngày mai là ngày giỗ thứ 15 của ông nội, một người mà có lẽ ra đi mang theo quá nhiều tình yêu thương và nỗi buồn của tôi. Chưa có ai mà tôi nhìn thấy mình được yêu thương và giành nhiều tình yêu thương như ông nội cả. Có lẽ ngày ông mất, tôi cũng chỉ đủ biết là mình đã bị mất đi một thứ quý giá, chứ chưa đủ lớn để biết rằng tôi đã lớn lên bằng sự dạy dỗ của ông nhiều đến thế nào.


Ông nội vốn là học sinh trường Bưởi, mọi tính cách và sự chỉn chu trong cuộc sống đều từ ngôi trường này mà ra. Sạch sẽ, khuôn phép, nề nếp là những điều nổi bật trong cuộc sống của ông, cuộc sống mà chỉ có duy nhất tôi- thằng cháu đích tôn của ông được chạm vào. Hai ông cháu ở riêng một căn nhà khác, bên cạnh căn nhà của bà nội và bố mẹ tôi. giờ ăn giấc ngủ của tôi đều phụ thuộc vào ông và chỉ ông có thể bảo được tôi. Tôi sợ ông bằng phép nhưng chẳng sợ ai cả vì trong gia đình, tôi có ông nội bảo bọc. Từ chuyện rèn chữ nghĩa cho đến học lễ nghi phép tắc trong gia đình họ mạc cũng đều do ông trực tiếp chỉ cho tôi. Ông viết chữ rất đẹp, viết nắn nót bằng cây bút chấm mực có ngòi “bụng chửa”. Hàng năm ngoài công việc viết lách sổ sách gì đó cho làng xã, ông cũng thường nhận viết thuê giấy khen cho trường trung học của bố mẹ tôi. Tôi thích ngồi nhìn ông ngay ngắn trên bàn giấy, uốn nét bút theo cách viết hoa bay bướm mà lâu lắm, tôi không thấy người nào viết được như vậy. Viết bằng bút chấm mực, người viết giỏi là người điều chỉnh được nét thanh nét đậm cho hàng chữ, ngay ngắn thẳng hàng mà vẫn bay lượn mềm mại…


Tôi luôn nhớ dáng ông nội ngồi nghiêm túc lắng nghe ai đó. Cái dáng ngồi thẳng mà đầu hơi nghiêng sang trái hướng tai lên, mà sau này để ý mới biết từ bố tôi, chú tôi và tôi cũng đều y chang thế. Tôi nhớ những buổi trưa hè, ông ép tôi ngủ trưa bằng cách nằm nghiêng bên ngoài tấm phản, một tay phe phẩy chiếc quạt lá cọ. Giấc ngủ đến với ông chập chờn vì cái tay luôn cử động này. Tôi háo hức đi theo tiếng ve kêu ngoài ngõ, cứ đợi nhịp quạt đưa chậm chậm lại và dừng xuống hẳn là rón rén trốn ra ngoài. Nhưng ít khi lắm, tôi thường bị túm lại ngay khi manh động. Có lần, tôi lẩn được đi chơi với bạn, leo lên bụi tre rất ngon lành nhưng khi tìm đường xuống thì không thể nào tránh được những cành gai đan nhau san sát. Lũ bạn sang gọi, ông cầm dao sang phạt gốc cho tôi xuống và lôi về quất cho mấy roi xoắn đít. Ngày bé, cái tên ông gọi tôi là thằng Ma cà bông. Chả biết tên này là gì nhưng theo ý ông, tôi là cái thăng chui rúc toàn những chỗ xó xỉnh tối tăm lọ mọ và chỉ thích nghịch bẩn. Hi` hi`


Ngày ấy bữa ăn nghèo và thanh đạm lắm. Có khi bữa trưa hai ông cháu ăn thì chỉ có rau và đậu rán. Đến chiều thì có thêm miếng thịt miếng chả mà bà nội đi chợ mua về mang sang. Nhưng ăn cơm bên ông bao giờ cũng ngon vì ông nấu ăn rất ngon. Đậu bao giờ cũng được rán kỹ, phồng to bốn mặt. Có khi lại được tẩm nước mắm hành nữa. Bữa ăn thì ít đồ ăn thôi, nhưng ăn cái gì cũng phải có nguyên tắc: thịt gà phải có lá chanh, đậu rán phải có lá kinh giới, ww. Sau này những kinh nghiệm đường ăn uống cũng của mình cũng tự nhiên mà có, đỡ phải gân cổ mà cãi nhau với những kẻ sành ăn đất Bắc, vẫn luôn tự hào về những nguyên tắc phi thường, hợp lý và thanh tao trong nghệ thuật ẩm thực Bắc kỳ…


Chuyện ăn uống đã vậy mà ngồi vào chiếu cũng đến nhiều. Từ bé, vì ông lúc nào tôi cũng phải ngồi ngay ngắn, chân xếp vòng tròn. Ngồi vào mâm phải so đũa, đứng khỏi mâm phải lấy tăm tre. Dù thèm và đói rỏ dãi ra cũng phải đợi người lớn cầm bát lên mới được làm theo. Gắp miếng đầu phải là miếng rau, miếng thịt phải đợi người lớn gắp. Thậm chí phải biết gắp bao nhiêu lần trong một đĩa. Tôi sợ lắm, sợ bị mắng vì ăn tham ngay trong nhà của mình. Cứ cun cút và chầu chực đợi ông gắp cho cái gì mới được ăn cái đó. Ấy vậy mà ngày bé, đám cỗ đám giỗ nhà họ hàng nào, tôi cũng là người duy nhất trong gia đình được cắp tráp theo ông. Ngồi ăn không bao giờ ngồi mâm trẻ con cả. Bao giờ cũng bám chặt ông nội như cái đuôi. Và ông cũng chẳng muốn tôi phải rời vị trí đó bao giờ. Cháu đích tôn của ông mà, ông tự hào về nó.


Rồi càng lớn, càng thấy thấm thía những bài học lễ nghĩa từ nhỏ. Chính tôi từ hồi cấp 3 đã phát xấu hổ khi đứa bạn ăn cơm cùng gia đình mình chống chân ngang mặt, tay cầm đũa vung vẩy rồi cầm luôn muôi chan canh. Thậm chí cái muôi ấy lật ngửa chỏng chơ giữa mâm mà bố mẹ tôi phải tế nhị đặt lại xoay ra phía ngoài. Lúc đó mới nghĩ, nếu sau này may mắn mình đến dùng bữa nhà ai, chắc những bài học thủa bé cũng chẳng mình đến nỗi phải nhận những cái trau mày tế nhị như thế này. Mẹ tôi sau này cũng bảo, con nhà có giáo dục là may mắn. Vâng, đúng là may mắn thật sự luôn. Tôi tự hào lắm.


Còn nhiều đức tính tốt đẹp của ông lắm mà tôi chưa làm được. ông ở sạch sẽ, làm xong cái gì cũng đặt vào đúng vị trí cũ của nó. Quần áo trong tủ luôn được gấp phẳng phiu xếp ngay ngắn từ dưới lên cao. Mở cánh tủ ra cứ như một quầy hàng ngay ngắn vậy… Thỉnh thoảng mỗi lần phải gấp quần áo tôi lại nhớ đến ông khủng khiếp. Bất cứ sự vụng về nào trong công việc gia đình hoặc tác phong sống tôi đều cảm thấy mất mát. Mất mát bởi chính mình chưa tiếp thu được hết hoặc mình không còn cơ hội để được ông nội sống bên, dạy bảo theo từng bước chân nhỏ của đời mình.


15 năm sau. Tôi đã là một người trưởng thành. Xã hội có lẽ cũng chẳng còn quá cân nhắc những phép tắc lễ nghi. Mà thậm chí khi bước qua một vùng miền nào khác, những lễ nghi nhỏ của mình được nhìn như một thứ phi vật thể quý hiếm vậy. Ngay ở cơ quan tôi bây giờ, có lần bữa ăn, mọi người trố mắt lên nhìn thấy thằng bé “Em mời các anh chị xơi cơm”. Ặc. Nhưng chả xấu hổ mấy, không lẽ mọi người thấy diện mạo và tính cách bất cần hơi lố lăng của mình không thể tồn tại những nguyên tắc kiểu cổ điển như vậy.


Nhiều người bạn tiếp xúc với tôi, thường đùa. Mày là đứa may mắn còn có tí quá khứ nghiêm túc và được rèn dũa. nếu không, chả còn tí giá trị nào (6PM nhớ vụ này không?). Đành chấp nhận thôi và vì thế chưa bao giờ tôi có ý định bỏ đi những thói quen gia đình và những nguyên tắc hơi khó tính trong việc giao tế và nhìn nhận xung quanh theo kiểu Bắc kỳ của mình cả.


Bà nội tôi sắp về theo ông. Gia đình chuẩn bị một đám giỗ nhỏ cho ông nội và cũng mong muốn bà nội được hưởng cái không khí gia đình lần cuối cùng vui vẻ. Nhưng mọi người đều buồn thì phải. Ông mất khi ở tuổi 64. Còn Bà nội năm nay cũng đã 85. Bà hơn ông tận 6 tuổi và vì thế cũng có nhiều điều không hạnh phúc trong cuộc hôn nhân đặt duyên của họ. Chuyện này mãi sau này tôi mới được bố tôi nói lại và đó cũng chính là nguyên nhân tại sao, tôi lại được chuyển sang sống với ông từ bé riêng một nhà. Bà cũng sắp về với đất, liệu sang thế giới đó gặp lại ông không và có làm lại được một mối duyên nợ hay không? Có lần bà đi gọi hồn ông không được, bác ruột tôi gọi thì ông lên và cũng nói, tao không muốn mẹ mày đi gọi tao về… Chuyện của người lớn mới thấy cũng nhiều khúc mắc khó hiểu.


Tôi đứng trước mộ người tôi kinh trọng và yêu thương. Đứng trước ban thờ với đầy đủ trách nhiệm của thằng cháu lớn nhất trong gia đình. Nhìn hình ảnh ông đã được vẽ vào đá hơn chục năm nay, có tìm ra những nét thân quen và còn hiện hữu trên gương mặt của mình. Tính cách hay hình hài nào đã được truyền qua tôi? Trong khói nhang trầm, làm sao tôi nói được với ông tôi đã hiểu mình lớn thế nào, đã vượt qua những khó khăn và bế tắc ra sao. Nếu ông là người quý nhân phù trợ cho tôi, hẳn ông cũng thương và thông cảm cho thằng cháu. Với ông, lần cuối ôm tôi trong lòng, tôi vẫn là thằng Ma cà bông bé bỏng. Tôi không yếu đuối, nhưng tôi mềm yếu trước những trái tim yêu thương. Tôi không rũ bỏ trách nhiệm với cuộc sống, nhưng tôi thiếu trách nhiệm với chính bản thân mình… Ông ơi, nếu ông là quý nhân phù trợ của con. Ông hãy về chỉ lối cho con. Để con đúng là thằng đích tôn đáng tự hào của ông, ông nội ạ.


 


 


 

6 nhận xét:

  1. PhuThuy (quên chổi, gặm bánh bao)lúc 20:12 14 tháng 10, 2006

    Dấu lặng...

    Trả lờiXóa
  2. Vũ ơi, hôm nay cũng là ngày giỗ bà nội anh. Giỗ lần thứ 10. Thế mà thằng cháu yêu của bà (ngày xưa bị bà ghét vì suốt ngày trêu bà) không đi ăn giỗ được, vì ốm nằm bẹp ở nhà. Bà nội anh đã bế anh, bế em anh và nhiều anh em họ của anh suốt thời gian đấy nữa. Năm bà mất, bà thọ 92 tuổi, và rất khoẻ, rất thích ăn thịt và...uống bia. Hồi ấy, anh đang là sinh viên báo chí, lần nào về quê cũng mang một cái Walkman để thu lời bà nội. Bây giờ, những cuốn băng ấy vẫn còn và nghe rất tốt. Cứ bật lên là lại nhớ cái lưng còng của bà...

    Trả lờiXóa
  3. Ong noi cua ban chac chan se rat vui vi co dua chau dich ton nhu ban!

    Trả lờiXóa
  4. e cung la nguoi moi mat ong noi may thang truoc.Thoi tho au e cung gan bo voi ong noi nhu a Mit, va cung la chau dit nhom,dit chau... :D Ong noi chac chan se phu ho cho a thoi!Have fun!

    Trả lờiXóa
  5. La con gai nhung van duoc ong noi yeu va thuong, ong noi cua minh hien hon, nhung cung day minh nhung thu ma ong noi Mit day.

    Trả lờiXóa