Nghệ sĩ cello lừng danh Julian Lloyd Webber trả lời báo SGTT ngày hôm nay 6.3
Âm nhạc là ngôn ngữ quốc tế nhất
Là con trai gia đình âm nhạc Lloyd Webber lừng danh xứ sương mù, nghệ sĩ Cello đẳng cấp hàng đầu thế giới Julian Jloyd Webber chính là em trai của nhạc sĩ Andrew J.W - tác giả “Phantom of the Opera”. Cuộc trò chuyện với Julian Lloyd Webber trước đêm diễn 6.3 tại Nhà hát lớn của ông, diễn ra đầy hứng khởi bởi ông là một người có duyên ăn nói, rõ là một người cầm bút hàng tháng về Âm nhạc & Nghệ sĩ cho The daily Telegraph.
- Trong nhạc mục trình diễn của Hennessy Concert tại Việt Nam, ông sẽ trình bày một tác phẩm ngắn “Bài ca dành cho Baba” của chính mình. Điều đó có ý nghĩa thế nào?
Trước hết tôi phải nói là tôi không phải là một nhà soạn nhạc chuyên nghiệp, tôi là một nghệ sĩ biểu diễn. Tôi sáng tác đều dựa trên những thời điểm đặc biệt. “Song for Baba” của tôi được viết sáu tuần sau khi con trai David của tôi chào đời tháng 2.1992, khi tôi đang ở nhà luyện tập vào một buổi chiều bình thường. Duy có một điểm khác biệt là cậu con trai bé nhỏ đang nằm ngủ ngoan bên cạnh. Lần đầu tiên, tôi bắt đầu sáng tác và giai điệu hát ru đến với tôi rất nhanh và dễ dàng.
- Sáng tác rất ít, còn Biểu diễn thì rất nhiều. Hai con người Sáng tác và Biểu diễn khác nhau thế nào?
Ồ, thời của Mozart, nhiều nhà soạn nhạc cũng là những nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc. Nhưng đó là thời của những thiên tài. Còn bây giờ tôi nghĩ khác, âm nhạc bác học cũng được xã hội hoá cao, trình độ thưởng thức âm nhạc cũng nâng cao đòi hỏi người soạn nhạc và người biểu diễn phải rạch ròi để nâng cao chất lượng của cá nhân lên. Tôi thấy các nhà soạn nhạc họ nghe nhạc bằng đầu và âm nhạc thôi thúc họ cầm bút để viết nó ra. Còn tôi là nghệ sĩ trình diễn, tôi nói lại tâm hồn của người khác một cách thăng hoa và trung thành nhất.
- Nhưng gia đình ông, từ đời ông, cha và anh trai của anh đều làm âm nhạc. Họ có ảnh hưởng đến con đường nghệ thuật của ông không?
Tôi muốn nói thêm về cha mình, ông sinh ra trong nghèo khổ nhưng vẫn đến được với âm nhạc qua ông nội tôi. Cha tôi là một nhà soạn nhạc viết nhiều vào thời gian hậu Thế chiến thứ hai. Nhưng từ khoảng thời gian 1964, ông không có thêm những sáng tác nào cho tới thời gian ngắn trước khi qua đời mới thêm được vài tác phẩm. Dù ông là Giám đốc Đại học âm nhạc London nhưng âm nhạc của ông rơi vào tĩnh lặng gần như không ai biết tới mãi đến gần đây. Tôi cũng trình diễn tác phẩm “In the half-light, s soliloquy” của ông trước khán giả Việt Nam với mong muốn được nói về âm nhạc của cha tôi… Trở lại với câu hỏi của anh, cha tôi có ảnh hưởng rất lớn đến anh em tôi nhưng đó là một sự ảnh hưởng gián tiếp. Cha tôi tự tạo ra cho chúng tôi một sự nghiệp và nhân cách để chúng tôi tự noi theo chứ không hề áp đặt chúng tôi. Anh trai tôi đi theo con đường của cha tôi là soạn nhạc, nhưng Andrew lại chọn hướng viết những tác phẩm có lời và có nhiều tác phẩm nhạc kịch chất lượng cao. Còn tôi, tôi đi theo con đường khí nhạc, với vai trò một nghệ sĩ biểu diễn.
- Còn mẹ ông, một cô giáo piano. Tại sao không phải là piano mà ông lại đam mê cây đàn cello?
Đúng rồi, mẹ tôi đã hướng tôi theo cây đàn piano nhưng nỗ lực của bà đã không có kết quả. Năm 7 tuổi, lần đầu tôi nhìn thấy cây đàn cello trong dàn nhạc tôi đã bị hấp dẫn bởi những đường con của cây đàn và tiếng đàn của nó. Tôi cảm thấy hình dáng và cách biểu diễn Cello hợp với con người tôi hơn piano. Âm vực của đàn cello rất gần với con người nên cảm xúc rất thân thuộc. Và tôi đã chọn và gắn bó với cello đến bây giờ. Và anh thấy đó, những tác phẩm âm nhạc vĩ đại nhất của thế giới đều viết cho cello, có lẽ bởi nó rất nhân văn.
- Ông thích các tác phẩm âm nhạc của anh mình chứ?
Có chứ. Anh ấy cũng là một niềm tự hào của nước Anh và gia đình tôi. Những tác phẩm của anh ấy rất xuất sắc và tôi đặc biệt thích bản Phantasia trong vở “Phantom of the Opera”. Tôi vừa thu thanh với EMI Classics một album có bản “Khúc biến tấu Phantasia” của tôi viết dựa trên tác phẩm của Andrew. Trước khán giả VN, tôi sẽ trình diễn “Music of the light” trích từ vở nhạc kịch này. Đó là một trong những bản ballad thành công nhất của “Phantom of the opera” của Andrew.
- Hãy nói một chút về dự án âm nhạc “In Harmony” của Chính phủ Anh mà ông đang thực hiện từ tháng 1.2009?
Đó là một dự án và công việc hết sức mới mẻ. Chúng tôi triển khai dự án tại Anh dành cho tất cả mọi người đặc biệt là trẻ em, ít có điều kiện tiếp xúc với âm nhạc cổ điển. Chúng tôi tập trung vào các vùng dân cư nghèo để cung cấp nhạc cụ biểu diễn, dạy trẻ em chơi đàn và biểu diễn nhạc cổ điển miễn phí. Hiện nay ngân sách dành cho dự án là 2 năm nhưng tôi rất hứng thú và đầu tư cho nó rất nhiều. Dự án đã thu hút được trên 300 ngàn trẻ em mong muốn được tham gia. Tôi nghĩ nó rất có ý nghĩ trong việc đưa âm nhạc đến với mọi người.
- Ở Việt Nam cũng vậy, không phải ai cũng có điều kiện để hiểu âm nhạc thính phòng đâu.
Ở đâu cũng vậy thôi. Mọi người nói Tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế nhưng tôi lại thấy Âm nhạc mới là ngôn ngữ quốc tế nhất để truyền tải thông điệp. Đây là lần đầu tiên tôi biểu diễn ở Việt Nam song tôi cũng như mọi khi, bao giờ đêm diễn của tôi cũng phải có 2 phần, các tác phẩm âm nhạc quen thuộc và dễ nghe với mọi người, một phần cho các tác phẩm kinh điển mọi người cần phải được nghe. Hãy nghe âm nhạc và cảm nhận, không cần phải lý giải vì sao bạn thấy hay. Đó chính là âm nhạc.
Chu Minh Vũ
Em không biết anh này, nhưng Mr Webber anh thì thích thôi rồi, vì vừa em mới xem Evita, chết không, sợ thật, sao người ta sáng tác giỏi thế nhờ. Còn Phantom em cũng chưa xem, sắp tới em sẽ đi xem :)
Trả lờiXóa