Trịnh Công Sơn và những cảm nhận mới
TrangNeu
Bài viết riêng cho BBCVietnamese.com
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/2009/05/090506_two_new_albums.shtml
Những ý kiến trái chiều về cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong thời gian vừa qua dường như không làm ảnh hưởng gì tới những người yêu nhạc Trịnh. “Có đâu bao giờ” của Hồng Nhung và Quang Dũng được phát hành ngay sau Tết, trong thời gian vừa qua lại có thêm hai album khác về nhạc Trịnh được phát hành và tiếp tục được khán giả đón nhận.
Showbiz Việt Nam có một điều thật đặc biệt, mỗi năm thường sẽ có một vài album nhạc Trịnh được phát hành, thời điểm nhiều có thể lên tới mười album. Những ca sĩ dù nổi tiếng hay ít nổi tiếng, ít nhiều cũng đều hát qua nhạc Trịnh. Không kể Hồng Nhung, người phụ nữ thứ hai sau Khánh Ly đã gắn liền tên tuổi của mình với nhạc Trịnh, thì Mỹ Linh, Thanh Lam, Phương Thanh, Quang Dũng, Trần Thu Hà, … đều đã thực hiện nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn.
Nhạc Trịnh gắn bó với đời sống âm nhạc Việt Nam ở nhiều khía cạnh. Để hát cho hay một ca khúc của Trịnh Công Sơn không phải là điều quá khó với các ca sĩ, vì nhạc Trịnh vốn giàu có cả về giai điệu và ca từ. Nhưng trình bày một tác phẩm của Trịnh Công Sơn đến công chúng thật ra rất áp lực. Hát hay chưa đủ, nó cần có điều mới mẻ để không lặp lại người đi trước, nhưng cũng không được quá mới để khán giả không còn nhận ra nhạc Trịnh.
Bài viết này muốn nhắc tới hai album mới nhất: Mẹ - Cánh chim cô đơn (của Nguyễn Hữu Thái Hòa), và Portrait 17 (của ca sĩ Hiền Thục).
Mẹ - Cánh chim cô đơn
Thái Hòa có một niềm say mê và tín ngưỡng kỳ lạ với nhạc Trịnh Công Sơn. Khán giả có thể cảm nhận được niềm say mê đó qua giọng hát, qua những lời tâm sự và qua những hoạt động âm nhạc anh đã thực hiện. “Mẹ - Cánh chim cô đơn” là album nhạc Trịnh thứ tư Thái Hòa phát hành ở Việt Nam, bao gồm cả những album phát hành chính thức, hay chỉ làm để chia sẻ với bạn bè. Không phải một nghệ sĩ nghiệp dư nào cũng có đủ say mê và tâm huyết đến thế.
Trong album “Mẹ - Cánh chim cô đơn”, Thái Hòa hát cùng những người bạn, (Tốp ca MPU, ca sĩ Bích Hồng, Nguyệt Ca và Tốp ca The Sisters).
Mười một ca khúc khá quen thuộc, xoay quanh chủ đề về Mẹ, như: Lời mẹ ru, Huyền thoại mẹ, Em là hoa hồng nhỏ, Ca dao mẹ…, Thái Hòa và ê-kíp thực hiện đã trình bày một sản phẩm khá giản dị, cả về hòa âm và các giọng ca. Nhạc cụ sử dụng trong album đều là mộc: guitar, mandolin, cello, violin, và cả đàn bầu. Cách làm “unpluged” như vậy sẽ khá an toàn với nhạc Trịnh, ở đây nhạc sẽ chỉ còn là cái cớ để người ca sĩ chia đi những lời tự sự, không có ranh giới giữa người sáng tác (Trịnh Công Sơn), và tâm sự của người hát.
Giọng hát của Thái Hòa đơn giản nhưng ấm áp, và đặc biệt rất tình cảm với những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên người viết thích những bài hát của anh trong album trước đó là “Lặng lẽ nơi này” hơn một chút. Thái Hòa của “Lặng lẽ nơi này” hồn nhiên và yêu đời hơn, Thái Hòa của “Mẹ - Cánh chim cô đơn” chậm rãi hơn, điềm tĩnh hơn nhưng cũng buồn bã hơn.
Ngược lại với Thái Hòa, sự xuất hiện của Nguyệt Ca và Tốp ca The Sisters đem lại sự trẻ trung và hồn nhiên hơn. Nguyệt Ca và The Sisters lần đầu xuất hiện trong một album chính thức nhưng khá chững chạc, đặc biệt với Lời mẹ ru, Nguyệt Ca hát tròn trịa và tình cảm.
Nếu kỳ vọng một điều gì mới và sáng tạo thì có lẽ người nghe sẽ không thỏa mãn được với “Mẹ - Cánh chim cô đơn”. Album được cộng đồng yêu nhạc Trịnh Công Sơn đón nhận bởi sự chân thành và tình cảm mà nó gửi gắm.
Portrait 17
Album được đặt tên dựa trên tên của bức chân dung mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẽ tặng ca sĩ Hiền Thục năm cô 17 tuổi. Có kế hoạch thực hiện từ giữa năm 2008, nhưng cho đến tận cuối tháng tư này, album mới được chính thức phát hành.
Trước Portrait 17, Hiền Thục cũng đã từng hát nhạc Trịnh Công Sơn, trong album “Mộc” cách đây đã lâu, cô hát Còn tuổi nào cho em đến nay vẫn còn được nhiều người nhớ. Thục đã đưa vào nhạc Trịnh nét trong sáng, ngọt ngào bản năng trong giọng hát và phong cách của cô.
Portrait 17 gồm bảy ca khúc chính thức và hai ca khúc tặng thêm đã từng phát hành trước đó, album đi theo một mạch khá thống nhất với đề tài về quê hương đất nước. Nếu “Mẹ - Cánh chim cô đơn” thu hút bởi sự giản dị và chân thành, thì Portrait 17 thú vị bởi rất nhiều nét mới, mới mà vẫn không làm hỏng đi không khí của nhạc Trịnh.
Mới trước hết ở những bài mà Hiền Thục đã chọn. Nhiều bài trong số này là những bản ít phổ biến (Còn có bao ngày, Chiều trên quê hương tôi, Về trong suối nguồn, Rừng xanh xanh mãi…), có lẽ không nằm ngoài mục đích đem lại một cảm nhận mới về nhạc Trịnh.
Nét thú vị thứ hai là phần hòa âm của album. Piano, guitar và saxophone đã hỗ trợ hữu hiệu cho giọng ca của Hiền Thục. Nếu người nghe đã từng thích Còn tuổi nào cho em thì có lẽ sẽ hoàn toàn được thỏa mãn với Portrait 17, bởi chất ngọt ngào và trong sáng trong album này đã được nhân thêm lên, xuyên suốt từ đầu đến cuối album. Vẫn là Trịnh đấy mà nghe rõ hơi thở của đời sống mới, với yêu với buồn, với vui của những người trẻ tuổi hôm nay.
Bên cạnh đó, những người thực hiện album cũng đã nỗ lực thổi không khí mới cho nhạc Trịnh bằng những sắp xếp mới, ví dụ bài song ca của Hiền Thục và Tùng Dương, Hiền Thục hát Níu tay nghìn trùng trên nền Hoa Xuân Ca của Tùng Dương. Hoặc trong Cuối cùng cho một tình yêu, bài hát được tách thành một số đoạn nhỏ.
Đây cũng là một album khá đều tay từ đầu đến cuối, bao gồm cả hai bài tặng thêm. Khó có thể chọn được một bài hay hơn, hoặc kém hay hơn. Còn có bao ngày, Về trong suối nguồn trong sáng giản dị, Muôn trùng biển ơi có thêm một chút say mê, Chiều trên quê hương tôi mang không khí tươi vui.
Xin chúc mừng những nghệ sĩ đã thực hiện hai album trên đây, vì họ đã hoàn thành sản phẩm tâm huyết của mình và giới thiệu được tới đông đảo công chúng. Hai album với hai màu sắc khác nhau, đem đến hai cảm nhận khác nhau về nhạc Trịnh, tuy nhiên có một điểm chung là mang lại những giá trị nhất định cho đời sống âm nhạc Việt Nam.
TrangNeu
Cảm ơn T nhiều lắm!!!