Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2007

Martin Scorsese, "ông thánh" của thần tượng tui.




Martin Scorsese, bậc thầy điện ảnh

Sở dĩ xin lại pác Lâm Đại Ngọc bài này là vì mình trót yêu bác Marty từ thủa nào. Bác có ơn với iem, đưa thần tượng em lên đỉnh cao danh vọng. Leo của iem biến thành một người khác, một gangter, một tài năng điện ảnh... Leo nhà em nó chín chắn trưởng thành hơn là nhờ bác í. Thay mặt phụ huynh của cháu Leo, iem xin cảm ơn bác và chúc bác ngày càng giàu mà tự đổ khuôn Oscar cho riêng những kiệt tác điện ảnh của mình.

Cảm ơn đại nhà báo Lâm Đại Ngọc đã khen nức nỡ cháu Leo nhà iem. Sáng nay lẽ ra iem mời bác đi cafe vì em đọc đuợc 2 bài này của bác viết hay quá. Ai ngờ bác vẫn đang dặt dẹo xứ này. Tiếc cho bác thôi, phí 8 nghìn Tolkin


Trong lần trao giải Oscar lần thứ 79 vừa qua, một ngoại lệ độc đáo khi có đến 3 đạo diễn thuộc vào hàng “ông lớn” của điện ảnh Mỹ lên công bố giải Đạo diễn xuất sắc nhất, đó là Francis Ford Coppola, George Lucas và Steven Spielberg. Đấy có lẽ là ý đồ của Viện Hàn lâm khi người nhận giải lần này là Martin Scorsese, một đạo diễn kỳ tài cùng thời với 3 ông lớn nói trên, người đã 6 lần được đề cử và chỉ mới lần đầu tiên nắm được tượng vàng.

Trước đó, khi lên nhận giải Oscar cho biên tập phim xuất sắc nhất với bộ phim The Departed, Thelma Schoonmaker nói rằng “được cộng tác với Martin Scorsese chẳng khác gì được đào tạo trong một trường điện ảnh tốt nhất thế giới”. Thelma là một trong những cộng sự tốt nhất của Martin và đã rinh về 3 giải Oscar biên tập phim từ các bộ phim của ông (Raging Bull, The Aviator The Departed). Martin Scorsese còn là người góp công lớn để phát hiện và đào tạo nhiều tài năng điện ảnh. Ông là thầy dạy điện ảnh cho Oliver Stone và Spike Lee, hai đạo diễn độc đáo của điện ảnh Mỹ, là người phát hiện ra Jodie Foster từ bộ phim Taxi Driver, góp công lớn cho sự nghiệp hiển hách của Robert DeNiro và Leonardo DiCaprio. Tổng cộng có 17 diễn viên được đề cử Oscar từ các bộ phim của ông và 5 người trong số đó đã đoạt giải (Robert DeNiro, Paul Newman, Ellen Burstyn, Joe Pesci, Cate Blanchett)… Tuy nhiên, trong 3 lần thua cuộc oan uổng, Martin lại bị tước mất giải từ những đạo diễn xuất thân từ…diễn viên. Năm 1980, Raging Bull của ông thua giải Oscar đạo diễn và phim hay nhất về tay Roberd Redford với bộ phim Ordinary People. Năm 1990, kiệt tác về đề tài mafia, gangster Goodfellas của ông thua cuộc Dances with Wolves của Kevin Costner và năm 2005, The Aviator nhường bước trước Million Dollar Baby của Clint Eastwood.

Dù vậy, với nhiều khán giả đam mê điện ảnh, từ lâu, Martin Scorsese đã là một thần tượng điện ảnh, người đã đem lại nhiều kiệt tác không thể nào quên như Taxi Driver (1976), Raging Bull (1980), Goodfellas (1990), The Aviator (2004) và The Departed (2006). Hai trong những thể loại điện ảnh mà Martin xứng đáng là bậc thầy là Phim chân dung tiểu sử (biography) và phim gangster. Phim của Martin thường rất bạo lực, nhiều máu với những cảnh chém giết không ghê tay vì ông luôn nhìn thế giới của nhân vật như chính bản thân nó. Còn đặc điểm riêng trong phim của ông là cách dẫn chuyện, sự tiết chế trong diễn xuất và đặc biệt là âm nhạc (ông thường sử dụng nhạc của The Rolling Stones cho các bộ phim của mình). Khó có thể quên lối dẫn chuyện duyên dáng của Martin trong Taxi Driver ở cảnh mở đầu phim với giọng tự sự khê nồng của Travic Bickle (DeNiro), anh chàng lái xe taxi, vốn là một cựu binh chiến tranh Việt Nam để rồi sau đó bị sốc với thế giới băng đảng tàn bạo về đêm của New York, của những cô gái điếm mới lớn… Trong Raging Bull, phim tiểu sử kể về sự huỷ hoại bản thân của tay đấm bốc huyền thoại Jack La Motta (DeNiro đoạt Oscar nhờ vai này), ông lại tạo nên một kiệt tác về phim chân dung, khi xây dựng hình tượng nhân vật đạt đến mức kinh điển. Goodfellas một lần nữa là mẫu mực của phim gangster kể về một nhóm băng đảng khét tiếng được dẫn đầu bởi Jimmy Conway (lại là DeNiro) dựa theo một câu chuyện có thật qua chính lời kể của Jimmy và với câu thoại nổi tiếng – “Đối với tôi làm tay anh chị còn sướng hơn làm tổng thống Mỹ”...

Sau triều đại của Robert DeNiro với 8 bộ phim cộng tác chung, Martin chọn người tiếp nối cho những bộ phim mới của ông, đó là Leonardo DiCaprio với 3 bộ phim đã thực hiện, đều thành công cả về doanh thu và nghệ thuật, mà đỉnh cao là The Departed, kỷ lục về doanh thu với gần 300 triệu USD thu được khắp toàn cầu và đoạt 4 giải Oscar 2007. Bộ đôi này tiếp tục cho dự án thứ 4 sẽ ra mắt trong năm 2008, một bộ phim tiểu sử về vị tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ có tên The Rise of Theodore Roosevelt.

Nhiều tên tuổi của làng điện ảnh Mỹ không hề phủ nhận sự ảnh hưởng từ các bộ phim của Marty (tên thân mật của ông) như Quentin Tarantino, Michael Mann… Nhiều bộ phim của ông luôn được xem là mẫu mực để giảng dạy trong các trường đạo tạo điện ảnh ở Mỹ và nhiều nước khác. Phim của Marty cũng ảnh hưởng đến phong cách làm phim của nhiều đạo diễn châu Á, điển hình với thể loại phim mafia ở Hồng Kông với Ngô Vũ Sâm, phim bạo lực ở Nhật, Hàn Quốc mà gần đây Old Boy của Park Chan Wook, đoạt giải đạo diễn tại Cannes, cũng có nhiều ảnh hưởng từ phim của Marty.

Đạo diễn gốc Việt nổi tiếng Trần Anh Hùng cũng không ngại ngần thừa nhận sự ảnh hưởng từ phim của Marty đến bộ phim gangster Xích lô (giải Sư tử vàng tại LHP Venice năm 95). Trong lần sang Việt Nam đào tạo về phong cách làm phim ngắn cho các học Viên, Trần Anh Hùng luôn chọn những bộ phim của Marty để làm mẫu, đặc biệt là Taxi Driver , Goodfellas và anh cũng coi đó là 2 trong 5 bộ phim yêu thích nhất của mình…

L.H.L (báo Tuổi trẻ chủ nhật)

1 nhận xét: