Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2007

Entry for July 08, 2007- Vietimes và Viettu




Đề bài: Em Dũng vnn nhờ phát biểu ý kiến.


dungb45: 1, a có thể nói đôi điều về những gì a Tú phát biểu về ekip

dungb45: 2, a đưa ra ý kiến, nhận định về ê kíp trong showbiz Việt hiện nay

dungb45: chuyện làm việc theo nhóm (team work) trong sáng tạo nghệ thuật nói riêng

dungb45: và trong cuộc sống nói chung

Bài làm:

Tôi rất thích quan điểm của chị Mỹ Linh khi nói với các đàn em rằng, phải chọn một êkíp riêng cho sự nghiệp của mình. Ê kíp đó là ai, sẽ nói ra trình độ và đẳng cấp của người ca sĩ… Điều đó cho thấy sự quan trọng của một êkíp đối với chị Mỹ Linh, và sự nghiệp của chị ấy cũng là bằng chứng hiệu quả của việc làm việc ê kíp.

Trong công việc nào cũng vậy, “team work” là một khái niệm chưa định hình rõ ràng. Mọi ý thức và thành quả ngẫu nhiên, cũng như nỗ lực của một vài nhóm nhỏ lẻ thành công đã làm cho chúng ta gần đây mới xác định cụ thể về một cách làm việc hiệu quả này. Ở Việt Nam, chúng tôi không được học cách làm việc nhóm nhiều. Với điểm số học lực cá nhân được xếp từ trên xuống dưới, nên hầu như ý thức phấn đấu hết mình vì một mục đích duy nhất là cho bản thân mà thôi. Trong khi đó, tôi biết ở nhiều nước, ý thức làm việc tập thể, phối hợp nhóm được đề cao hàng đầu trong giáo dục ở các nước tiên tiến. Việc đánh giá từng cá nhân được dựa trên sự phối hợp tập thể và khối lượng- chất lượng công việc anh ta làm trong suốt tiến trình đó.

Đối với ngành công nghiệp giải trí còn non trẻ của chúng ta, tôi may mắn chứng kiến từ những giai đoạn đầu thành công nhất của các êkíp Tất Mi Loan, Phạm Hoàng Nam, Thanh Lam- Quốc Trung, Thành Lộc- Huỳnh Anh Tuấn, Mỹ Linh- Anh Quân- Huy Tuấn, hay gần đây nhất là nhóm của Huỳnh Phúc Điền- Lê Quang, và nhóm của Đức Trí… Và như bạn thấy, hầu hết những nhân vật đại diện của những nhóm làm việc trên đều có ít nhiều văn hoá “tây học”, họ thành công trước hết bởi họ lĩnh hội được một bí quyết, gom góp những nỗ lực cá nhân thành một sức mạnh tập thể… Hơn bao giờ hết, những người làm việc trong ngành giải trí lại hiểu rõ ý thức “phối hợp nhóm” hơn bao giờ hết. Giống như một bản hoà tấu, mỗi nhạc cụ đều phải sáng tạo nhưng phối hợp ăn ý trong một bản hoà âm tổng thể để có một tác phẩm hay. Tất nhiên, không một vị trí nhạc công nào được phép sai sót.

Tôi tham gia làm cộng sự với đạo diễn Việt Tú trước hết bởi anh ta là bạn tôi. Nhưng thứ đến, ở Tú có khái niệm phối hợp làm việc nhóm rõ ràng và ở cương vị thủ lĩnh, Tú có khả năng kết dính và điều phối sự hăng hái của những cộng sự. Sản phẩm đầu tiên và khẳng định cách làm việc của êkíp chúng tôi chính là seri đầu tiên của Con đường âm nhạc. Ngay từ lần đầu tiên ấy, trong ê kíp đã có sự phân công rõ ràng, đạo diễn âm nhạc lo âm nhạc, biên tập lo biên tập chương trình, bài vở, ca sĩ và lên kịch bản, làm việc với nhạc sĩ… Đạo diễn là người quyết định cuối cùng và triển khai những ý tưởng chung của cả nhóm. Trong lần làm việc với êkíp Hàn Quốc trong live Bi Rain’s S Fone, điều chúng tôi thấy là sự xuất hiện rất ít của Tổng đạo diễn, ông ta chỉ sang Việt Nam đúng ngày diễn mà thôi. Tất cả mọi đầu việc đã được bàn kỹ lưỡng với từng bộ phận và triển khai công việc là các trợ lý của ông ta mà thôi. Đạo diễn của họ là như vậy, một công việc tưởng như rất rảnh, chỉ ngồi một chỗ và chỉ đạo thôi. Ông ta có quyền không biết một việc gì đó (đương nhiên), nhưng ông ta giỏi là ông ta biết dùng người biết việc mà ông ta không biết- ông ta tin người đó. Một Huấn luyện viên giỏi là HLV biết sử dụng những ngôi sao đúng vị trí của cầu thủ đó và thi đấu với chiến thuật của ông ta.

Nhiều người đã hỏi là nếu làm việc như vậy thì anh đạo diễn sẽ “lĩnh” hết vinh quang của êkíp? Đây là một điều công bằng, vì nếu vinh quang anh ta được hưởng nhưng ngược lại, nếu thất bại thì trăm dâu đổ đầu tằm, anh ta là người lĩnh án dư luận đầu tiên. Nói tóm lại, đó là người đứng đầu, người chịu trách nhiệm chung cho cả một êkíp, anh ta có quyền và có trách nhiệm với việc làm của cả nhóm. Anh ta thành công tức là công việc của êkíp anh ta đã thành công.

Tôi là người không theo dõi chính trị song rất thích nhìn nhận những cách ứng xử và điều hành của những chính trị gia. Gần đây nhất là vụ Bộ trưởng Bộ quốc phòng Nhật Bản phải từ chức do phát ngôn của mình về vụ Hiroshima. Trước đó thủ tướng Nhật Shinzo Abe có lên tiếng bênh vực nội các của mình nhưng trước áp lực của dư luận, chính Bộ trưởng đã từ chức và nói ông ta không bị thủ tướng ép phải làm việc này… Qua sự việc này, tôi thấy điều rất hay rằng, nếu đã là một êkíp, trước hết họ phải đứng ra bảo vệ nhau. Nhưng rốt cuộc ai có vị trí và trách nhiệm của người đó. Người đứng đầu bảo vệ quyền lợi cho người dưới. Người dưới có trách nhiệm tôn trọng và tối thượng người đại diện êkip… Người châu Á sống nặng về tình cảm hơn người châu Âu. Tuy vậy, tại sao người châu Âu lại tiếp cận với việc làm team work sớm hơn? Có lẽ, đã đến lúc, người Châu Á khẳng định được sức mạnh tập thể nếu vì họ có thêm một sức mạnh nữa là tình cảm cá nhân làm nền tảng cho sự đoàn kết.

Chu Minh Vũ




1 nhận xét: