Thứ Năm, 9 tháng 8, 2007

Entry for August 10, 2007- Không chờ đến Mùa thu




phan anh hoang: khiếp

phan anh hoang: nhà nhà

phan anh hoang: để status

phan anh hoang: liên quan đến mùa thu

Minh Vu: hí

Minh Vu: Của tôi không phải nhé

Minh Vu: Bực quá, phải viết một blog thôi

Bực thật, mình giật status không liên quan gì đến tình hình thời tiết (mà hôm nay cả Bắc và Nam đều đẹp, trời sau bão trong leo lẻo). Cái status lấy nguyên văn title bài vừa đăng sáng nay. Cái title khiến cho chị Lệ Thu, Oanh Oanh, Diva Nguyễn Minh … đều xúc động

Tôi yêu mùa thu, nhưng nhớ đến mùa thu vì tôi yêu giọng hát này.

Đó mới là chủ nhân status của tôi: Nước mắt mùa thu ….

Lựa chọn cuối tuần

Không chờ đến Mùa thu

“Khủng long” thứ hai cuối cùng cũng chính thức trở về Việt Nam, đàng hoàng với live show đầu tiên, mở đầu cho một chuỗi dự án hồi hương về nghiệp. Đó là Lệ Thu, người không cần phải đợi đến mùa thu mới lại cất lên “tiếng ca vàng” nâng niu mùa thơ nhạc.

Được coi là “khủng long bà” về độ tinh tế trong âm nhạc cũng như sự kỹ tính trong dàn dựng tác phẩm (Khủng long ông không ai khác là tượng đài Tuấn Ngọc), đã 40 năm nay giọng ca thuộc hàng Tứ quý ấy vẫn bền bỉ theo thời gian và thách thức hậu sinh. Lệ Thu trở về, chính thức và đường hoàng đúng như chị nói, muộn hơn … sẽ là quá muộn. Với khán giả trong nước thực lòng yêu một giọng ca, quả thực đâu còn bao nhiêu ngày để yêu?

Có lẽ không nên gọi chương trình Chiều nhạc thính phòng của Lệ Thu là live show, mà nên gọi nó là một concert. Buổi hoà nhạc ấy vinh danh một Lệ Thu của những nhạc phẩm vàng son thực thụ, khảm nạm nên một chân dung âm nhạc Lệ Thu riêng biệt và đặc biệt sang trọng. Nhiều người trong nước từng nghĩ Dương Thụ là người đầu tiên viết lời cho nhạc cổ điển và Mỹ Linh là người đầu tiên hát nhạc cổ điển bằng tiếng Việt. Nhưng không phải, Lệ Thu đã từng thể hiện sự điêu luyện và tinh tế ấy với các trích đoạn bất hủ với phần lời của Phạm Duy. Nay thì Phạm Duy đã được trình diễn, cũng nên nhắc lại công sức lớn của cặp nhạc sĩ và ca sĩ này với một dự án “Việt hoá nhạc cổ điển Tây phương” từ rất sớm, rất đáng để có trên giá đĩa của những người yêu nhạc. Nói ra điều này, dù Dương Thụ và Mỹ Linh có “lộ” ra rằng không là người đầu tiên, thì đi sau kế thừa Phạm Duy và Lệ Thu cũng đã là điều rất đáng tự hào.

Bởi vậy “Chiều nhạc thính phòng” dự án đầu tiên tại quê nhà của Lệ Thu, dành trang trọng cho âm nhạc bán cổ điển. Bởi từ đó, giọng ca ấy đã thăng hoa, phong cách ấy đã nằm lòng, và vị trí ấy đĩnh đạc không xê dịch bấy nhiêu năm âm nhạc Việt thăng trầm theo lịch sử đất nước… Cũng nên nhớ thêm, chính giọng ca vàng này là người đầu tiên thể hiện thành công khúc hùng ca “Hà Nội niềm tin và hy vọng” của Phan Nhân, tiếc là nhạc phẩm này lại được để dành cho chương trình tại Hà Nội (dự kiến tháng 10). Còn 2 đêm 24 – 25.8 tại Phòng hoà nhạc Nhạc viện tp HCM, dấu ấn đậm nét được nhường lại cho Khúc nhạc chiều (Serenade) của Schubert. Cùng đó là một loạt các nhạc phẩm đóng đinh như Xin còn gọi tên nhau (Trường Sa), Đêm đông (Nguyễn Văn Thương), Nghìn trùng xa cách (Phạm Duy), Hương xưa (Cung Tiến), Gửi gió cho mây ngàn bay (Đoàn Chuẩn)…. được dàn dựng lại theo phong cách thính phòng. Có thể nói sự xuất hiện của 2 giọng nam đĩnh đạc Cao Minh và Trọng Tấn cũng khẳng định thêm dấu ấn “nghe” nặng ký của concert khủng long này.

Một điểm “khủng long” nữa, Lệ Thu – Live in Concert giá vé 1 triệu tiếp tục khẳng định sự uy tín và lòng tin của nhà sản xuất về chất lượng của một chương trình. Đã đến lúc, khán giả đã phải quen, việc phải mở hầu bao cho những chương trình và giọng ca chất lượng cao. Còn với riêng Lệ Thu, không thể chờ đến mùa thu, người yêu chị chực rơi nước mắt lắm rồi…(*)

Chu Minh Vũ

(*): Mượn ý ca khúc nổi tiếng “Nước mắt mùa thu” nhạc sĩ Phạm Duy viết riêng cho Lệ Thu

2 nhận xét:

  1. ôi.. tốc độ sản xuất entry.. nhanh khủng...

    Trả lờiXóa
  2. Vui vì thấy có tên mình trong entry.. buồn vì có một giọng hát được giới thiệu "khủng" thế này.. mà hình như mình chưa nghe bao giờ.. kaka.. không dấu dốt!

    Trả lờiXóa