Thứ Hai, 8 tháng 9, 2008

Thích quá đi




Khám phá cuộc sống

Vienne Boys Choir - sứ giả của những thần đồng

Tất cả mọi người đều có âm nhạc trong mình. Đó là một phần của văn hóa. Là một thành viên của dàn hợp xướng là một cách để đóng góp xây dựng nền văn hóa của chúng tôi”- mục tiêu của dàn hợp xướng danh tiếng bậc nhất thế giới này đã nói lên được giá trị của họ. Việt Nam- rồi cũng sẽ là một điểm đến văn hoá của họ trong những cuộc hành trình cùng âm nhạc tới đây (Vienne Boys Choir sẽ trình diễn tại Nhà hát Lớn HN- tối 1/10 và Nhà hát thành phố HCM tối 4/10)

Gắn liền với lịch sử âm nhạc

Cách đây hơn 1 nửa thiên niên kỷ, năm 1498, Hoàng đế Maximilian I đã chuyển cung điện và những nhạc công hoàng gia từ Innsbruck đến thành phố Vienna. Ông ra lệnh phải có 6 cậu bé trong đội nhạc công của nhà vua và các sử gia đã chọn năm 1498 làm năm thành lập chính thức của Vienna Hofmusikkapelle và Dàn hợp xướng Những cậu bé Thành Vienna – Vienna Boys’ Choir. Năm 1918, dàn hợp xướng chủ yếu chơi nhạc phục vụ cho hoàng cung. Dàn hợp xướng đã từng là nơi làm việc và cống hiến của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng, đặc biệt là W.A. Mozart. Các nhà soạn nhạc Jacobus Gallus, Franz Schubert và các nhạc trưởng Hans Richter, Felix Mottl và Clemens Krauss cũng từng là thành viên dàn hợp xướng. Anh em Joseph và Michael Haydn là thành viên của dàn hợp xướng Nhà thờ thánh Stephen, và thường xuyên hát cùng dàn hợp xướng hoàng gia… Năm 1918, sau khi đế chế Habsburg bị sụp đổ, chính phủ Áo tiếp quản đoàn biểu diễn Opera hoàng gia (bao gồm dàn nhạc và những ca sỹ trưởng thành) nhưng không tiếp nhận những cậu bé trong dàn hợp xướng. Dàn hợp xướng tiếp tục tồn tại là nhờ một sáng kiến của Josef Schnitt, người sau đó trở thành Linh mục Nhà thờ Hoàng gia vào năm 1921. Ông Schnitt đã biến dàn hợp xướng của những cậu bé trở thành một tổ chức tư nhân: những cậu bé từng chơi trong dàn hợp xướng cung điện hoàng gia trở thành thành viên của Wiener Sängerknaben, đồng phục hoàng gia được thay bằng áo quần thủy thủ, và sau đó là những bộ quần áo thời trang nhất dành cho nam thiếu niên. Nguồn ngân quỹ của nhà thờ không đủ để trang trải cho các cậu bé và năm 1936, dàn hợp xướng bắt đầu tổ chức hòa nhạc ở bên ngoài nhà thờ, biểu diễn những bài thánh ca ngắn, những tác phẩm cổ điển và cả những vở nhạc kịch opera dành cho trẻ em. Kết quả thật đáng kinh ngạc: chỉ trong vòng 1 năm, Wiener Sängerknaben đã biểu diễn ở Berlin (dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Erich Kleiber), PragueZurich. Tiếp theo đó là Athens và Riga, Tây Ban Nha, Pháp, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Mỹ, Úc, Nam Mỹ…

Môi trường nuôi dưỡng tài năng

Dàn hợp xướng “Vienne Boys Choir” lừng danh trên thế giới không bởi những album hợp xướng cổ điển bán chạy nhất ở mọi quốc gia, mà còn bởi nó chính là một môi trường giúp các cậu bé phát huy tối đa và nhận biết được năng lực bản thân cũng như tiềm năng âm nhạc của mình. Các thành viên dàn hợp xướng học cách bộc lộ chính mình một cách chuyên nghiệp với nhiều phong cách nhạc khác nhau. Và họ được cung cấp những công cụ để, nếu muốn, có thể trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp. Những kinh nghiệm mà một cậu bé thu lượm được trong thời gian là thành viên của dàn hợp xướng, đặc biệt là về các buổi hòa nhạc và đi tour, sẽ theo cậu suốt cuộc đời. “Chúng tôi muốn dạy các cậu bé trở thành một con người cởi mở, khoan dung, tự lập và phát triển tốt. Tất cả những cậu bé tài năng đều được hưởng chung một nền giáo dục, dù xuất phát điểm của họ có khác nhau thế nào chăng nữa.”

Wiener Sängerknaben có trường học riêng. Với lớp học đầu tiên tại nhà trẻ, các cô bé cậu bé đã được cung cấp những kiến thức đại cương và âm nhạc hoàn chỉnh ở bậc sơ cấp. Lên 10 tuổi, hầu hết những cậu bé tài năng nhất sẽ được lựa chọn vào đội hợp xướng và tham gia vào trường trung học phổ thông của dàn nhạc. Tất cả sẽ được chỉ định vào một trong các đội hợp xướng và các bài học sẽ được dạy cho từng nhóm nhỏ. Trường học có một ban nhạc và tổ chức các hoạt động ngoại khóa như thể thao (bóng chày, bóng rổ, judo, bong đá, bơi và đấu kiếm) hay các buổi hòa nhạc, opera, kịch và điện ảnh. Các thành viên của đội hợp xướng được khuyến khích có những tác phẩm riêng, và rất nhiều người đã viết, đóng kịch và đạo diễn những vở kịch ngắn về cuộc sống ở trường.

Các nam sinh là niềm tự hào của trường. Nhiều người trong số họ tiếp tục học để trở thành các nhạc sĩ, nhạc trưởng, ca sĩ, hay nhạc công chuyên nghiệp ở Viên và trên thế giới. Rất nhiều trong số họ vẫn tiếp tục ca hát. Có 2 đoàn bao gồm các giọng ca nam từng là thành viên của Wiener Sängerknaben trước kia, Chorus Viennensis và Imperial Chapel’s Schola Cantorum…

Hiện nay tổ chức này gồm có khoảng 100 thành viên từ 10 đến 14 tuổi, được chia thành 4 dàn hợp xướng. Các dàn hợp xướng này thực hiện khoảng 300 buổi hòa nhạc và trình diễn mỗi năm với lượng khán thính giả trên dưới nửa triệu người. Mỗi nhóm dành khoảng 9 đến 11 tuần trong năm học để đi biểu diễn. Họ đến hầu khắp các thành phố châu Âu, và cũng là những vị khách thường xuyên của châu Á, Úc và các nước châu Mỹ. Mỗi nhóm được đặt tên theo những nhà soạn nhạc nổi tiếng người Áo từng gắn bó với lịch sử phát triển của cả dàn hợp xướng là Bruckner, Haydn, Mozart và Schubert và trình diễn rất nhiều tác phẩm âm nhạc của họ.

Kể từ những năm 1920, dàn hợp xướng không ngừng thu thập các bản nhạc trong suốt cuộc hành trình của họ. Một trong những mục tiêu giáo dục là giới thiệu cho các cậu bé những phong cách âm nhạc khác nhau. Gerald Wirth cho biết, “Chúng tôi không yêu cầu phải chơi những bản nhạc gốc, chúng tôi tạo ra điều gì đó từ những nguồn gốc, nguyên văn, sổ sách ghi chép của chính chúng tôi. Chúng tôi cố gắng trung thành với bản gốc và sử dụng chúng với sự tôn trọng”. Những năm 1970, dàn hợp xướng bắt đầu trình diễn những bản acappella các bài hát của Beatle. Năm 2002, họ đã ghi album nhạc pop đầu tiên, trình diễn các bài hát của Madonna, Celine Dion, Robbie Williams và trở thành CD bán chạy nhất được đề cử cho giải The 2003 Amadeus của Áo…

Rất dễ kiếm những CD của Vienne boys Choir tại Việt Nam. Nhưng chắc chắn, cơ hội để lắng nghe trực tiếp thực sự là hiếm có, bởi đây là cơ hội để mọi người có thể tiếp xúc với một nền văn hoá thế giới.

Chu Minh Vũ- photo Lukas Beck

1 nhận xét: