Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2009

Lại một chuyện lộn tiết về "đạo chích"

Lâu lắm mới lại có một vụ “ngứa mắt, lộn tiết” thế này.

http://netlife.com.vn/vn/machleo/43264/index.aspx

Bài của miềng, viết cho người ta. Thư ký toà soạn muốn cắt vì bài dài còn đt hỏi. Còn người copy ngang nhiên lại không thèm hỏi cái gì, cắt nguyên một đoạn thành một bài… sáng tạo và giật gân.

Tôi viết bài với tinh thần không thích mấy trò mèo câu kẹo thiên hạ dòm vào đọc vì hiếu kỳ. Tôi ghét mấy trò cắt dán của báo mạng. Tôi ghét những câu chuyện lên gân và thiếu chiều sâu của báo chí mạng nói chung.

Báo mạng lấy bài của tôi, lên án những người “chôm”, nhưng họ lại “chỉa” của tôi mà không có một tẹo suy nghĩ nào.

Thôi đành, ai đã đọc link trên, vui lòng đọc lại bản full, đầy đủ hơn cả bản đăng trên số Tết- Thể thao văn hoá Đàn ông.

Nhạc nhẹ Việt Nam

Tín hiệu vui từ những ồn ào

Năm 2008, không quá nhiều những thành quả, trái ngọt cho giải trí Việt Nam, đặc biệt trong lãnh địa nhạc nhẹ. Khán giả thì vẫn chú ý đến bề nổi, nhưng bị phản hồi là quá lãnh đạm và thờ ơ với đời sống ấy. Từ những bề nổi- là những hiện tượng - vụ việc đình đám - dưới đây, để tìm thấy những chuyển động thực của làng nhạc.

1- Án treo “đạo nhạc”

Hơn một lần, tôi được mời lên các diễn đàn truyền hình hoặc báo giấy để nói về hiện tượng này. Nhưng tôi đều từ chối với lý do rằng, không có ai đủ uy tín ở Việt Nam để phán xét các hiện tượng này. “Vầng trăng khóc”- Việt Nam đạo Thái Lan hay Thái Lan đạo nhạc chúng ta? Có giới hạn nào giữa việc đạo hoà âm và sử dụng beat hoà thanh mẫu? Ai là người có thể trả lời những câu hỏi này?

Xu hướng sáng tác của nhạc sĩ hiện đại không chỉ ở Việt Nam hiện nay đi vào xu hướng tối giản- gọn gàng về cấu trúc và hoà thanh. Sự đa dạng và biến hoá thể hiện trong cách thức sử dụng các chất liệu điện tử (thậm chí nhiều sound- âm thanh không có thực) để tạo ra một tổng thể âm nhạc. Xu hướng viết ca khúc trên giấy (dựa vào cảm âm và cảm xúc) của các tác giả âm nhạc trước đang dần được thay thế bằng cách sáng tác trên máy tính. Không chỉ riêng âm nhạc, sự phát triển của computer dần thay thế rất nhiều công đoạn sản xuất. Nếu không có nhạc sample, có lẽ sự phát triển của âm nhạc vẫn chỉ gọn gàng trong pop, jazz, blue và rock… dựa rất nhiều vào trình độ biểu diễn của nhạc công… Nhạc nhẹ Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới, với sự trở về và cống hiến của một thế hệ nhạc sĩ sinh năm 70 du học nước ngoài, được tiếp nhận hoàn toàn những giá trị của công nghệ. Sáng tạo của họ không giống thế hệ cũ, và giá trị nghệ thuật họ mong muốn cũng không “đụng hàng” các cây đa cây đề. Khái niệm về sự sáng tạo của họ không nằm gọn trong các tác phẩm âm nhạc để đời, mà là sự tìm tòi bất tận vào công nghệ đang chiếm lĩnh cả tất cả nền âm nhạc thế giới. Trong những nghi án về đạo nhạc, nhiều nhất là các nghi án “giống” và “bắt chước” chứ hiếm gặp trường hợp của “Tình thôi xót xa”… Mà đối với hầu hết các nhạc sĩ 7X, họ hoàn toàn không giấu diếm việc “bắt chước”, “học hỏi” và làm theo công nghệ nước ngoài, không chỉ trong sáng tác mà còn cả trong sáng tạo, sản xuất và cả đường lối nữa.

Đã đến lúc chúng ta cần thực sự bình tĩnh nếu như một khi nào đó bắt gặp các trường hợp Hà Hồ hát nhạc giống của K.Minogue hay Beyonce’, Mỹ Tâm sao mà giống BoA… Rất có thể, tất cả đều sử dụng chung một phần mềm công nghệ tạo sound, tạo beat giống nhau, cùng khai thác những ưu thế của tiết tấu sôi động đó… Chỉ có giá trị khác nhau ở chỗ, ai là người đi trước mà thôi… Nhạc sĩ sáng tác ở chúng ta thường mang và chịu một ám ảnh “nhược tiểu”. Họ phải mua phần mềm máy tính, phòng thu từ nước ngoài. Khán giả ngày nay thì quá dư thừa về văn hoá quốc tế (hầu hết nhạc quốc tế tràn vào Việt Nam qua đường download- “ăn cắp” cấp độ 2- thừa hưởng từ những chuyên gia hacker quốc tế), nhưng lại đàng hoàng đưa ra các phán xét “giống” và “khác”, “đạo”, “chôm chỉa”… rất vô thưởng vô phạt. Người sáng tác trẻ không có bảo hộ sự sáng tạo, và đồng thời cũng chẳng được bảo vệ trước phán xét của dư luận… Hội nhạc sĩ Việt Nam, chưa có đủ tầm để bao quát hoạt động của nhạc sĩ trong nước. Một số nhạc sĩ trẻ đã bắt đầu tìm đến các Trung tâm bảo hộ nhạc sĩ và tác phẩm ở nước ngoài cũng vì lý do này…

Sáng tạo ở Việt Nam nói chung đang lấm lét đi đến cánh cửa biên giới. Mục đích của nhiều người mang tâm thế “hội nhập” mãnh liệt hơn rất nhiều nhu cầu “đại chúng” tại thị trường Việt Nam. Việc giống về môtíp hoặc đi theo trào lưu nói chung không chỉ trong âm nhạc mà còn cả hội hoạ, điện ảnh, thời trang… Đó là một biểu hiện của sự “cách tân” thế hệ, họ muốn hoà nhập với dòng chảy đương đại và đại chúng của thế giới… Trở lại chuyện đạo nhạc, hãy trở lại với những “nghi án” 5 năm trước treo vào Huy Tuấn và Anh Quân “bắt chước” nhạc R&B cho album “Tóc ngắn” của Mỹ Linh? Nhưng sau 5 năm, vẫn những tác phẩm ấy, họ đường hoàng trở thành những nhạc sĩ – nhà sản xuất đầu tiên có trọn vẹn một seri album phát hành quốc tế. Đôi khi, sự lạnh lùng với dư luận có lẽ lại là một cách hay để làm việc của thế hệ mới hiện giờ.

2- Bài hát Việt, “tôi và chúng ta”

Ba năm nay, chương trình truyền hình “Bài hát Việt” kiên nhẫn duy trì để tạo ra một sân chơi thường kỳ cho các tác phẩm mới. Gánh nặng lớn nhất mà những người thực hiện chương trình này đặc ra cho nó là chữ “Việt”, gắng gượng để tìm cho thấy cái gì thuộc về âm nhạc Việt Nam. Thực ra cho đến nay, có 2 nhân vật được biết đến nhiều nhất trên thế giới thuộc về Việt Nam là Trịnh Công Sơn- với nhóm tác phẩm phản chiến và Nguyên Lê - một nghệ sĩ nhạc jazz tài hoa với ngón đàn guitar không đụng hàng dựa trên kiểu chơi guitar phím lõm của cải lương Việt Nam. Âm nhạc Trịnh Công Sơn có giá trị với cộng đồng và gây tiếng vang trên thế giới vì quan niệm nhân sinh của nó, đặc biệt là trong lời ca chứ không phải trong âm nhạc. Âm nhạc Nguyên Lê (chủ yếu là các tác phẩm hoà tấu, dựa trên chất liệu dân ca Việt Nam) có giá trị bởi tính sáng tạo tổng thể, được biết đến như những tác phẩm hoà tấu nhạc jazz đặc biệt với các nhạc cụ khác với nhạc jazz chuẩn (giọng hát và lời ca chỉ là thứ yếu, như một nhạc cụ truyền tải tác phẩm)… Chưa có tác phẩm âm nhạc đơn lẻ nào của Việt Nam mang tầm thế giới với đủ đầy ới a và nội dung thiết tha tự tình dân tộc cả. Như vậy với “Bài hát Việt”, nếu giành cho nó một trách nhiệm quốc gia đại sự là vươn ra thế giới thì hoàn toàn chưa phải lúc. Còn nếu đặt tiêu chí một sân chơi nội bộ thì có thêm nhiều điều đáng bàn.

Thứ nhất, việc phân chia quá nhiều khái niệm dòng nhạc và nhất là đưa ra một khái niệm “dân gian đương đại” không phải là một cách làm hay. Xu hướng sáng tạo pha trộn đang khá phổ biến, nhạc sĩ không muốn gò bó mình trong một chiếc áo khoác ngoài nào hết mà thích thú nhất là tìm tòi những cách làm riêng. Lịch sử âm nhạc Việt đã chứng minh thành quả của nhiều tên tuổi lớn như Nguyễn Tài Tuệ, Hoàng Việt, Đỗ Nhuận, Phạm Duy, Văn Ký… viết ca khúc rất thính phòng nhưng lại bằng chất liệu dân gian … Trong khi đó, khái niệm “dân gian đương đại” còn khá mơ hồ, bởi cách viết nhạc này không mới ở ta. Đương nhiên, nếu viết tác phẩm âm nhạc như bằng chất liệu dân gian, rõ ràng nó thuộc về Việt Nam, chỉ có người Việt Nam mới cảm nhận sâu sắc nhất. Khái niệm “dân gian đương đại” của Bài hát Việt làm nhiều báo chí, đặc biệt là khán giả nói chung lầm tưởng đó là các tác phẩm âm nhạc sáng tạo cấp tiến đặc biệt, làm khó dăm làn điệu âm nhạc Bắc bộ mới. Nhiều tác phẩm âm nhạc viết theo chất liệu dân gian miền Trung, miền Nam hầu như bị… bỏ rơi ngoài vùng này như một sự mất cân bằng. Trong khi đó, điều đáng nói nhất mang tính đương đại là việc sáng tạo hoà âm bằng computer của nhóm tác phẩm “đương đại” của Bài hát Việt lại không được nhắc đến.

Thứ hai, điều đáng nói đến nhiều hơn là bản lĩnh của khá nhiều tác giả trẻ tại sân chơi Bài hát Việt, cho dù khá nhiều nhạc sĩ chưa được giải vì … thiếu tính chất “Việt” trong nó. Ba năm, ngoài vài cái tên như Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Giáng Son, Võ Thiện Thanh, Lưu Hà An - thuộc lứa tác giả 7X, có rất nhiều những gương mặt nhạc sĩ mới bộc lộ tài năng: Lưu Thiên Hương, Lương Bằng Quang, Dương Cầm, Nguyễn Duy Hùng, Nguyễn Hải Phong, Nguyễn Đức Cường, Sa Huỳnh… Ở họ không có nhiều khái niệm về sự truyền thống phải ới a mới là Việt Nam, mà ở họ bộc lộ ngay sự kiên quyết phải khẳng định tác phẩm của mình là hiện đại. Các ca khúc của lứa nhạc sĩ này rất commercial, gọn gàng trong phát triển ca khúc (chủ yếu là Pop và R&B). Sự nắm bắt công nghệ giải phóng rất nhiều năng lượng sáng tác. Họ viết nhiều, đều tay, nhiều đề tài và được công chúng trẻ đón nhận, bởi nó tương xứng với văn hoá thế giới mà hàng ngày họ tiếp nhận. Lứa nhạc sĩ năm thứ 3 của Bài hát Việt đã được nhiều “cây đa, cây đề” công nhận để trao giải, đó mới là điều đáng mừng. Mừng vì thế hệ đi trước đã dung hoà được với những cái mới, bớt đi sự bảo thủ trong sáng tạo. Mừng vì có thêm một thế hệ nhạc sĩ trẻ sau thế hệ giao thoa- đã hứng nhiều đòn bởi sự “học hỏi” và “bắt chước” nước ngoài một thập niên trước đây. Họ sẽ làm dầy dặn hơn một thế hệ nhạc sĩ trẻ của Việt Nam hoàn toàn khác, khi cánh cửa hội nhập kinh tế đã mở ra hoàn toàn.

3- Hiện tượng Thuỳ Chi

Cô ca sĩ online đặc biệt này thực sự là một chuyện lạ. Trong thời buổi ca sĩ nhiều như nấm và hừng hực khát vọng chiếm lĩnh thị trường thì Thuỳ Chi lại từ chối tất cả cơ hội đến với mình, chỉ để giữ một giọng hát phi thương mại, trong sáng mà thôi. Thùy Chi là sản phẩm của thế hệ trẻ sống, giao lưu và giải trí bằng mạng Internet. Cô ấy là một ngôi sao ảo nhưng có giá trị thực. Hai năm trước, cả xã hội nhốn nháo vì những sự lên ngôi của dòng nhạc thời trang hát nói, vỗ ngực chan chát và tuyên ngôn vụn cho tình yêu. Nay, với Thuỳ Chi và sức lan toả của giọng hát trong sáng với những tác phẩm âm nhạc chính cô cho là hay, là đẹp. Thuỳ Chi giống như một ngôi sao lạc trong thế giới ảo vô lường những giá trị khác nhau. Một thực tế, xã hội ảo là nơi tập trung tất cả những mặt trái của xã hội hiện đại, nhưng giá trị lấp lánh của Thùy Chi cũng cho thấy không phải những gì thuộc về xã hội ảo ấy cũng là xấu. Sẽ còn có thêm những ai nữa sau Thuỳ Chi trong làng nhạc Việt Nam: Nguyễn Đức Cường, Anh Khang, Đinh Mạnh Ninh, hay nhóm nhạc trẻ Hà Nội M4U? Hay tất cả những con chim ẩn mình này đều đang muốn tận dụng một thị trường âm nhạc “đặc biệt” này để nổi lên trở thành những ngôi sao sân khấu như Bảo Thy hay Phạm Quỳnh Anh tận nước Bỉ xa xôi?...

Thế giới đã bắt đầu coi trọng thị trường mua bán âm nhạc trên internet là trọng điểm, thậm chí nhiều ngôi sao và nhà sản xuất không cần bán đĩa nhạc mà chỉ cần bán bài download trên internet mà thôi… Nhạc nhẹ Việt Nam đi sau, nhưng sớm muộn cũng sẽ up-date những bài học kinh doanh âm nhạc ảo này nhanh chóng.

Thị trường âm nhạc trên internet là có thực, chưa có đơn vị “quốc doanh” hay cơ quan quản lý nào dòm ngó đến nó. Ngôi sao ca nhạc Thùy Chi cũng là có thực, với đầy đủ tài năng và một tâm hồn âm nhạc phong phú….

---

Ba câu chuyện rời về thế hệ trẻ trong nhạc nhẹ trên đây, hy vọng là đem đến những niềm tin màu hồng khác, tốt đẹp đầu năm hơn là quá lo lắng vì một bức tranh giải trí bề ngoài ảm đạm năm qua. Chính giới trẻ là những người tạo lập ra thị trường, ra xu hướng và tạo ra ngôi sao cho âm nhạc Việt Nam. Hơn bao giờ hết, tuổi trẻ đang thực sự là một lợi thế của văn hoá.

Vĩ Thanh

8 nhận xét:

  1. Một bài đáng đọc, nhưng tớ có vài nhận định không đồng nhất với Miv lắm
    Thứ 1 là những án treo đạo nhạc. Về điều này, tớ loại trừ những ca khúc kiểu được mua bản quyền và trình diễn dưới nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tớ chỉ nói đến khía cạnh như Miv nêu là "có thể những ca khúc giống nhau vì cùng sử dụng công nghệ pc"
    Tớ đồng ý với Miv là ngày nay, với công nghệ pc thay thế cho hầu hết những sáng tác trên giấy, luôn có 1 thư viện melody được tạo sẵn. Những đoạn loops, những nhịp beat... nó như kiểu 1 loại thư viện với những cái chuẩn mà bất kỳ 1 chương trình làm nhạc nào cũng có (Acid pro, Fruityloops...). Thế nên, không loại trừ khả năng là sẽ có nhiều bài hát mà phần melody cực kỳ giống nhau, vì cùng sử dụng 1 beat chuẩn. Thế nhưng nó vẫn có những điểm khác nhau để người nghe có thể chấp nhận và thưởng thức nó như sản phẩm đích thực. Tớ đơn cử:
    + Kinda girl for me - Craig David
    + The one - J.Lo
    + Torn - Letoya Luckett
    + và "Rush" của 1 band Hàn là LeeSsang
    Cả 4 bài này đều sử dụng chung 1 melody, đó là 1 đoạn loop cực kỳ thông dụng có thể dễ dàng tìm được trên Net. Nhưng nó vẫn là 4 bài khác nhau. Bởi điều đầu tiên, đó là sự hòa âm khác nhau. Tớ nhấn mạnh là hoàn toàn khác nhau, và thậm chí cả tempo cũng được thay đổi cộng thêm những yếu tố khác. Kế đến là khả năng của chính ca sĩ trình diễn. Giọng J.Lo mỏng nên sử dụng nhiều effect. Giọng Craig đầy đặn. LeeSsang thì chơi Rap...
    Thế nên vấn đề tớ nghĩ không nằm ở ai đi trước, đi sau. Cũng chả phải do beat, sound, công nghệ hay cái gì đại loại như vậy. Không thể đổ lỗi cho nó 1 cách đơn giản là "tại dùng máy hết nên giống nhau là chuyện bình thường". Nói như vậy chỉ chứng tỏ mình không hề nghiêm khắc với bản thân và không tâm huyết với những gì mình đã/đang và sẽ làm. Tất cả những yếu tố đó chỉ là cái cơ bản, cái nền. Còn cái chính vẫn là yếu tố CON NGƯỜI. Sử dụng như thế nào? Sáng tạo ra sao? Làm thế quái nào để đó là tác phẩm của mình? Đó mới là điều đáng nói.
    Chuyện "đạo nhạc" ở mình bản thân nó đã quá lùm xùm. Tớ không lạ chuyện Hà Hồ lấy của nước ngoài hay Hồ Quỳnh ăn cắp. Rồi khi có người lên tiếng thì phủi tay "không biết, lấy trên mạng" hay "sẽ rút kinh nghiệm sau". Những lý do mà xin lỗi... tớ phải nói là cực kỳ ngu ngốc. Nó thể hiện sự không tôn trọng khán giả và không tôn trọng chính bản thân mình. Còn Bảo Thy thì quá tệ rồi! Tớ miễn bàn nhé!
    Thứ 2: đó là vấn đề khán giả. Tớ nghĩ khán giả là cái tai chung và công bằng nhất. Họ không là 1 người hay 10 người mà là số đông, là cái chung nhất. Họ không có những kiến thức uyên thâm để phân biệt cung này bậc nọ, quãng này quãng kia để chứng thực rằng ca sĩ không đạo. Nhưng khi họ nghe 1 bài và bĩu môi: "bài này giống bài kia"... là tớ thấy thua rồi. Người nghệ sĩ không thể với mỗi khán giả lại mỗi trình bày thì, là, mà... thanh minh chứng thực. Và quan trọng hơn hết, nghệ sĩ là phục vụ cho khán giả. Tớ dám chắc chẳng ca sĩ nào đã ra đĩa, đi hát mà lại tuyên bố rằng tôi làm nhạc cho tôi và tôi cóc cần khán giả cả!
    Dư luận, chính xác hơn là dư luận quần chúng nói vậy chứ nó cũng công bằng lắm Miv ạ. Chỉ sợ là sợ "dư luận" báo chí thôi. :))... Anh hát hay, làm với cái tâm tự nhiên người ta nghe. Ai muốn nói gì ngta vẫn nghe. Anh ăn cắp, có thanh minh nói gì thì ngta vẫn bĩu môi. Vậy thôi à!
    Thứ 3:
    "Khán giả ngày nay thì quá dư thừa về văn hoá quốc tế (hầu hết nhạc quốc tế tràn vào Việt Nam qua đường download - “ăn cắp” cấp độ 2 - thừa hưởng từ những chuyên gia hacker quốc tế), nhưng lại đàng hoàng đưa ra các phán xét “giống” và “khác”, “đạo”, “chôm chỉa”… rất vô thưởng vô phạt"
    Đoạn này thì quả thực tớ có cảm giác nói hộ cho những người trong cuộc. Kiểu kiểu "anh cũng ăn cắp vậy, nói gì tui"... :))... Nhưng nếu nghệ sĩ mà quan niệm vậy... thì chẳng còn gì để nói cả! :)) . Chuyên ăn cắp, cầm nhầm ở VN mình thì đầy, đi đâu cũng thấy, làm gì cũng nghe. Cũng chẳng mấy ai ý thức được việc đó và cũng chẳng cơ quan nào bảo vệ, giám sát.

    Trả lờiXóa
  2. Chỉ là bản thân mỗi người tự ý thức được những gì mình làm thui!

    Trả lờiXóa
  3. e thì có 1 ý kiến nhỏ. cái so sánh cuối cùng rằng: "Trở lại chuyện đạo nhạc, hãy trở lại với những “nghi án” 5 năm trước treo vào Huy Tuấn và Anh Quân “bắt chước” nhạc R&B cho album “Tóc ngắn” của Mỹ Linh?".... ai comment thế này thì sợ thật. bắt chước 1 bài chứ ai lại nói bắt chước 1 dòng nhạc ==> so sánh này không logic lắm với những diễn giải ở trên.
    Còn xét riêng về ca khúc đạo, có thể do tâm lý số đông và "a dua" nên nhiều khi những phản hồi đại trà của người nghe là không thực sự chuẩn xác hết 100%. Thế nhưng,em có nghe 1 số bài thì thấy là "học hỏi" kinh quá.
    Đừng vin vào công nghệ mới, sample... này nọ kia để bào chữa. Cùng 1 số nguyên liệu, mỗi người sẽ làm ra những món ăn dù hình thức giống nhau nhưng hương vị phải khác nhau chứ (đó là trường hợp là chấp nhận dùng cùng 1 số nguyên liệu). Khán giả số đông cũng không có nghĩa là không bao gồm "khán giả tinh tuý" (có hiểu biết về nghề chẳng hạn). Khán giả số đông thì mới phản ứng một cách hồn nhiên và chân thật, thậm chí sẵn sàng tha lỗi cho nghệ sĩ; chứ còn "khán giả tinh tuý" thì đôi khi sẽ chỉ...cười khẩy, "cứ để cho họ làm", và những câu chuyện của họ sẽ dừng lại ở quán cafe nào đó mà thôi.
    p.s. thực ra việc người nghe chịu nghe nhạc nước ngoài, download nhạc chùa, mua đĩa TQ lậu mà nghe... là còn may. vì nếu chờ vào những người bảo hộ, những hội Bảo hộ quyền của nhạc sĩ thì chắc trăm năm cũng chả biết được bài nào giống bài nào, biết BoA là ai, Kylie là ai. Mà nếu ai có "học tập" từ những nghệ sĩ indie hiểm nữa thì chắc các bác lại càng bó tay. Cứ nhớ lại 2 cái án của Bảo Chấn và Quốc Bảo mà xem. Ai là những người bảo vệ tới tận cùng cho lẽ phải. Đôi khi khán giả chân chính cũng chỉ cần tới chữ FAIR thôi mà!

    Trả lờiXóa
  4. Thank you. Đọc bản full này thấy hay hơn va sâu sắc hơn nhiều những mảnh vụn trên báo mạng. Tờ VHTT Đàn Ông này đã ra chưa vậy?
    Mình cũng muốn đóng góp ý kiến theo cảm nhận của mình không biết người viết có đồng ý không:
    Chuyện Hồ Hà đạo nhạc năm vừa rồi mà làm ngơ thì quả là không nên chút nào. Có phải nó được bảo lãnh bởi một ông chủ bự thì mọi chuyện coi như được "bảo lãnh"? Thực ra nghe nhiều ca khúc của Hà, mình thấy ngoài vũ đạo đẹp, còn lại một giọng hát còn non, các bài hát một màu, lạm dụng thị trường quá... Những gì HNH làm năm nay chỉ là để không hổ thẹn với giải cống hiến năm vừa rồi mà thôi. Mà nói thực là giải này giành cho Hà thì cũng chưa đáng đâu. Chưa đúng với 2 từ "cống hiến".
    Còn nhớ 3 năm trước Mỹ Tâm cũng bị nghi là đạo nhạc và hát nhạc đạo. Tuy nhiên điều này không có cơ sở. Ca khúc Ước gì của VTT mà Tâm hát cả trong và ngoài nước nhưng đâu có ai nói gì. Mà quan trọng là nó thực sự cảm xúc. Nó chứa đầy tâm trạng của người viết chứ không phải là copy phần nhạc rồi bịa ra phần lời. Như vậy thì làm sao có chuyện đạo nhạc ở ca khúc Ước Gì được.
    Một ca khúc khác của Tâm là Nụ Hôn Bất Ngờ cũng bị nghi ngờ. Tuy nhiên Tâm đã hiển nhiên mang cả 2 ca khúc này biểu diễn trong liên hoan âm nhạc Châu Á tại Hàn Quốc mà chẳng ai nói gì. Người ngay thẳng thì đâu cần nói nhiều để biện hộ, vì cách làm của họ là ngay thẳng mà.
    Mỹ Tâm hiển nhiên đã không giống ai, trong cách làm, cách hát, cách diễn. Vì bản thân Tâm không muốn giống một ai cả. Thế mới có Mỹ Tâm - một hiện tượng của nhạc nhẹ VN. Chắc nhiều người biết và cũng nhiều người không biết là Tâm đã từng tốt nghiệp thủ khoac nhạc viện TP. Đã từng sáng tác ca khúc đầu tay rất hay "Mãi Yêu". và chính ca khúc này mang lại cho Tâm giải 3 của liên hoan tài năng trẻ châu á.
    Trở lại với giải Cống Hiến. Năm nay tôi thấy Mỹ Tâm đáng được vinh danh trao giải CỐng hiến cho những nỗ lực và hoạt động của mình. Riêng Tâm đã có nhiều show và tour xuyên Việt. và năm qua một tour rất chuyên nghiệp, 2 album rất hay, làm rất bài bản. Tâm đáng được công nhận một cách đàng hoàng, và cũng là để cho Tâm thêm sức mạnh của những ước mơ.
    Thôi viết nhiều quá rồi.

    Trả lờiXóa
  5. Uầy. Chưa bao giờ nhận được comment tích cực, hay và dài thế này
    Xin cảm ơn các bạn. CMIV trân trọng lắng nghe và tiếp thu các ý kiến. Nghề báo bút sa gà chết, bản thân viết ra đã suy nghĩ kỹ đến tránh ảnh hưởng đến ai. Xưa nay, CMIV luôn chọn cách nhìn nhận trung dung nhất để viết. Được các bạn đọc và góp ý, MIV tôi tin rằng, mình sẽ viết bài sau chín chắn hơn bài trước
    Đa tạ.

    Trả lờiXóa
  6. Sorry anh riêng chuyện cắt dán này nhé. Em đã hỏi lại bạn biên tập và yêu cầu bạn ấy sử dụng nguyên bài báo gốc. Nghề nào cũng có cái khổ riêng anh ạ. Em nhận lỗi không kiểm tra kỹ được hết các thông tin trước khi xuất bản! Có bất cứ vấn đề gì về bài vở, anh cứ Buzz em hoangnhatmai nhé!

    Trả lờiXóa
  7. định comm, nhưng thấy mấy người ở trên nói nhiều wá nên thôi, em nín... heheheh

    Trả lờiXóa