Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2009

mong tiếp tục nhận được chỉ giáo

Chưa bao giờ nhận được comment tích cực, hay và dài thế cho bài báo trong entry trước. Bài trong entry này lấy bản full từ báo Thế giới nghệ sĩ số Tết

Xin cảm ơn các bạn. CMIV trân trọng lắng nghe và tiếp thu các ý kiến. Nghề báo bút sa gà chết, bản thân viết ra đã suy nghĩ kỹ đến tránh ảnh hưởng đến ai. Xưa nay, CMIV luôn chọn cách nhìn nhận trung dung nhất để viết. Được các bạn đọc và góp ý, MIV tôi tin rằng, mình sẽ viết bài sau chín chắn hơn bài trước

Đa tạ.

Xin post tiếp một bài nhận định riêng, mong tiếp tục nhận được chỉ giáo góp ý của các bạn. Hân hạnh

Làng nhạc Việt Nam 2008

nhân chuyện suy thoái kinh tế

Cơn suy thoái kinh tế như một vùng mây xám phủ lên bầu trời chung của làng giải trí trong nước. Đã không còn những cuộc rượt đuổi của những ông bầu lắm tiền nhiều của chỉ hòng đẹp lòng người đẹp. Không còn những cuộc trình diễn, những album mua danh… Bức tranh làng nhạc năm 2008 màu xám buồn và tưởng như không có nhiều đột biến nhưng hoá ra lại có giá trị như một năm bản lề, bước vào năm 2009 của hội nhập kinh tế. Giải trí nước nhà cũng vì thế mà hứa hẹn những thay đổi tích cực theo mô hình hiện đại hơn. Điểm qua vài hiện tưởng nổi bật, để cố tìm ra những niềm vui tích cực.

1- Nhân trường hợp Mỹ Tâm

Mỹ Tâm là một trường hợp thú vị trong cách hành xử nghề nghiệp. Thời buổi khó khăn, nhiều ca sĩ khác trông đợi vào tiền tài trợ để có cơ hội thực hiện những dự án “vĩ mô” như liveshow, tour sinh viên này nọ (nhưng thực tế cũng là để đánh bóng tên tuổi cá nhân mình). Đằng này, tuy không ồn ã như trước, thậm chí bị coi là xuống dốc, Mỹ Tâm vẫn chấp nhận việc kén chọn công việc cho mình. Từ chối một nhà tài trợ “máu mặt” để quyết định dốc tiền túi ra thực hiện dự án tour xuyên Việt theo ý mình. Không tuyên ngôn đao to búa lớn, không xuất hiện ở bất cứ một gameshow nào, không quá thường xuyên tham dự những show ca nhạc truyền hình… Mỹ Tâm rút vào những hoạt động của kế hoạch dài hơi. Liên tiếp 3 album được chuẩn bị tại Hàn Quốc, bước trên 2 dây: trung thành với cái cũ và chinh phục từng bước với cái mới. Mỹ Tâm của năm 2008 chững chạc và hoàn thiện từ giọng hát cho đến phong cách. Tất cả những cô công bố đều là những kế hoạch đã gần như hoàn thiện, từ ra mắt nước hoa mang tên mình, cho đến một quỹ từ thiện riêng hoạt động độc lập, cho đến việc tổ chức showcase quy mô giới thiệu các album mới. Các làm showcase (những chương trình giới thiệu album ở quy mô nhỏ gọn) thường thấy ở các nghệ sĩ Hàn Quốc. Nó bao gồm cả những hoạt động biểu diễn live, ra mắt báo chí, bán và ký tặng đĩa trực tiếp với người hâm mộ. Không lộ mặt ai là người đứng đằng sau điều phối các hoạt động của Mỹ Tâm (hầu như Mỹ Tâm đứng tên tất cả) nhưng rõ ràng kế hoạch của Tâm tỏ ra khá chi tiết và đồng bộ. Từ những hoạt động chuyên nghiệp này có thể thấy, những ngôi sao như Mỹ Tâm hoàn toàn có khả năng chi phối thị trường biểu diễn, tạo được những cơn sốt và giữ được thành quả cụ thể. Cách làm ấy ở Tâm báo hiệu sẽ thay thế dần đi những hoạt động đơn lẻ, cá nhân hoặc gia đình của các nghệ sĩ Việt Nam.

Sự đồng bộ và cụ thể trong kế hoạch công việc ngày càng tỏ ra là một yếu tố đắc dụng trong làng giải trí. Không thể còn những cơ hội từ trên trời rơi xuống, để một ca sĩ hạng 2 vụt sáng thành ngôi sao. Không còn những chương trình truyền hình phù phép như thủa nào… Nhân trường hợp của Mỹ Tâm, nhắc đến một đối trọng của cô trong năm 2008- Hồ Ngọc Hà. Người đẹp này ngay lập tức lấp chỗ trống truyền hình và quảng cáo mà Mỹ Tâm bỏ lại và trở thành nữ ca sĩ số 1 thị trường giải trí hiện nay. Đằng sau Hà cũng là một êkíp chuyên nghiệp của công ty Music Faces của nhạc sĩ Đức Trí. Sự thành công của Hà, cùng với nhóm ca sĩ của công ty này gồm Phạm Anh Khoa, Lê Hiếu, Phương Vy (Vừa gia nhập tháng 12.2008 là ca sĩ online Anh Khang và rất có thể là có thêm quán quân VietNam Idol 2008), M.Faces hoàn toàn đủ cơ sở để có thể thực hiện những dự án lớn đồng bộ. Việc thay thế Mỹ Tâm không dễ, nhưng để đạt được những gì Tâm có thì đối với Hồ Ngọc Hà và MFaces không khó. Vấn đề là bản thân Hồ Ngọc Hà và M.Faces không có ý thức soán ngôi đó mà mục đích tối thượng của họ là tạo ra được thị trường có thực dành cho họ. Mỹ Tâm có phần của Mỹ Tâm, M.Faces có phần của M.Faces. Mà phần của M.Faces khi họ có trong tay từ 1- 5 ngôi sao thị trường thì lợi nhuận và giá trị hợp đồng quảng cáo không nhỏ.

Cũng chung ý thức đồng bộ và kế hoạch hoá đường lối phát triển ngôi sao là công ty WePro của ông bầu Quang Huy (sinh năm 1980). Các ca sĩ của WePro gồm Ưng Hoàng Phúc, Phạm Quỳnh Anh, nhóm boyband 3 thành viên sẽ lần lượt tách riêng thành những ca sĩ độc lập. Trong năm 2008, chấp nhận sự im ắng vừa phải vì lý do khách quan (thị trường âm nhạc đi xuống) cộng lý do chủ quan (Át chủ bài Ưng Hoàng Phúc nghỉ hát chữa bệnh), bầu Quang Huy rút lui vào việc chuẩn bị nhân sự và tuyển lựa tài năng. Công ty này ngoài việc đào tạo và kinh doanh ca sĩ, năm 2008 chú trọng vào việc đào tạo nhân sự cho các khâu kỹ thuật: quay phim, dựng phim, sản xuất chương trình, nhạc sĩ sáng tác, hoà âm độc quyền… Họ tạo dựng cho mình một êkíp thiện chiến độc lập, phục vụ cho ca sĩ của họ. Và với WePro, ngôi sao của họ không cần phải là số một, nhưng phải trở thành những gương mặt hấp dẫn của thị trường. Mỗi cá nhân ngôi sao có một thị phần riêng, một công ty với nhiều ngôi sao sẽ chiếm lĩnh một thị trường rộng lớn.

Năm 2008, một bài toán kinh tế được đưa ra đối với các mô hình hộ kinh doanh nhỏ trước khi mở cửa thị trường 1.1.2009, phải cùng nhau hợp sức lại trở thành những doanh nghiệp kinh tế quy mô vừa hoặc lớn hơn. Làng văn nghệ Việt Nam ngoài các nghệ sĩ công chức của các đoàn nhà nước, hầu hết chọn lối đi freelance- hoạt động độc lập. Đó là một cách hoạt động tức thời của giai đoạn kinh tế những năm 90 của Việt Nam. Nhiều ca sĩ độc lập như Minh Quân, Nguyễn Ngọc Anh… đã bắt đầu nếm mùi đắng của sự tự do, chọn cách quay trở lại các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp như Đài Tiếng nói Việt Nam. Một số ca sĩ nổi tiếng đủ kinh tế để thành lập công ty riêng như Mỹ Linh có Công ty Diệu Thanh, Hồ Quỳnh Hương có công ty Diamond, công ty của Đàm Vĩnh Hưng có tên Tiếng hát Việt… Tuy nhiên, mức độ hoạt động của những đơn vị này vẫn chủ yếu ở mức độ quản lý thu chi cho ca sĩ chủ lực- kiêm ông chủ bà chủ của nó mà thôi.

2- Nhân trường hợp Đàm Vĩnh Hưng

2 năm trước, trong trường hợp tương tự của Quang Dũng và Hiền Thục, khá nhiều người khó chịu kiểu ca sĩ mà ra album rào rào. Nay thì Đàm Vĩnh Hưng phá kỷ lục luôn, với một năm 2008 ra 1 DVD liveshow, 1 album nhạc trẻ, 1 đĩa đôi nhạc vàng, 1 đĩa Giáng sinh và 1 đĩa nhạc Xuân. Đấy là chưa kể đêm Dạ tiệc trắng chơi ngông, một đêm hát trên 30 ca khúc… Đỉnh cao của Đàm Vĩnh Hưng đến khá muộn so với tuổi đời, nhưng có khác là bao thời đỉnh điểm kiếm tiền của Mỹ Linh, Phương Thanh, Quang Dũng… Ca sĩ là một nghề có thời thế, không biết nắm bắt thời thế thì vừa đánh mất vinh quang, vừa đánh mất cả tiền bạc. Đàm Vĩnh Hưng là một ca sĩ có phong cách, có giọng hát nhưng không hẳn là một ca sĩ nhiều tiên phong. Nhưng cái giỏi của anh này là luôn biết nắm bắt thị hiếu và đáp ứng nó bằng một cách của riêng mình. Vừa tham lam muốn sở hữu tất cả các đối tượng khán giả… không còn cách nào khác, Hưng phải đốt cháy cổ họng của mình trong tất cả các bài hát, các album, các chương trình. Giải Cống hiến 2007 (rất có thể sẽ là cả năm 2008 nữa) giành cho Hưng đúng luôn cả về khía cạnh Cống hiến năng lượng và thanh quản cho nghề hát.

Từ trường hợp của Hưng, nghĩ đến trường hợp của Đỗ Bảo. 4 năm trước, với album Cánh cung, Bảo lập một kỷ lục về sức tiêu thụ cho một album tác giả. 4 năm đứng trên thành công của chính mình, cắm cúi thực hiện những album riêng khá xuất sắc cho Tùng Dương, Tấn Minh, Ngọc Anh… Đỗ Bảo mới dám đưa ra sản phẩm Cánh cung 2 một cách rụt rè. Áp lực lớn từ thương hiệu cá nhân dồn lên tác phẩm mới, Bảo vừa tham vọng lập một kỷ lục mới, vừa lo lắng cho tay nghề mong muốn được nâng cấp 4 năm qua. Có thể nhiều người sẽ nói Bảo không khôn ngoan, không dám thừa thắng xông lên như những nhạc sĩ khác, dồn dập sản phẩm khi có thương hiệu… Nhưng sáng tác là một nghề không dễ ép, thường thì sản phẩm đầu tay là hấp dẫn bởi nó là tinh hoa. Nhưng càng tiếp cận những thứ dồn dập thứ cấp sau đó, càng thấy nhạt nhoà và đánh rơi cá tính. Trường hợp những album Lê Minh Sơn sau “Bên nhà ao nhà mình” là một ví dụ điển hình. Bởi thế sự lo nghĩ 4 năm cho một album riêng cho thương hiệu cá nhân của Đỗ Bảo là một điều đáng quý.

Là người làm việc chậm và ít, nhưng Đỗ Bảo lại là người góp vào năm 2008 một album đáng nghe hiếm hoi. “Cánh cung 2- Thời gian để yêu

3- Nhân trường hợp Idols

“Thần tượng”- Đích cuối cùng của những người dấn thân vào làng nhạc đã nói phía trên, âu cũng chả khác là bao của cả ngàn thí sinh ứng thí “Sao Mai điểm hẹn” và “VietNam Idol”. Nhiều người đã kỳ vọng lần đầu tiên trong năm có cả 2 cuộc thi hấp dẫn là SMĐH và VNI. sẽ đem lại một không khí sôi động, tưng bừng để chào đón một lứa những thần tượng mới. (Đấy là chưa kể thêm vài cuộc thi tiếng hát truyền hình nhạt như nước ốc ở 2 đài truyền hình cùng tên HTV). Vậy mà đến tháng củ mật, náo nhiệt chưa thấy nhiều và thần tượng thì cũng chẳng thấy đâu… Người ta đổ tại, không có tài năng để mà thi nữa rồi. Đúng, nếu như có quy định mỗi thí sinh chỉ được hát ở một cuộc thi thì đúng là chả còn ai để mà thi thố, những cuộc thi nhiều như nấm hiện giờ. Người ta cứ nghĩ SMĐH đào ra được lứa Tùng Dương (Nguyên giải nhất Giọng hát hay HN), Kasim, Ngọc Khuê (Giải nhì, giải ba Sao Mai)…Người tài, nhất là ở những cuộc thi hát, là người chịu thua cay đắng ở nhiều nơi, trui rèn giọng hát mà nên ngọc sáng. Tài năng không dễ ở trên trời rơi xuống, nhưng thần tượng thì… do công nghệ mà tạo ra cả thôi.

Điều gì đã khiến cuộc thi Pop Idols thành công trên toàn thế giới, ở bất kỳ quốc gia nào đủ tiền mua bản quyền và thực hiện đúng format của nó (kể cả Việt Nam). Điều gì đã khiến Sao Mai điểm hẹn tổ chức đến lần thứ 3 là thấy oải, không còn một chút sức sống nào hết? Xin thưa, do công nghệ sản xuất ngôi sao của 2 cuộc thi này khác nhau. Sao Mai điểm hẹn tham vọng “vớt váng” từ những nhân tố trẻ trong làng nhạc, thổi phù họ lên mây bằng độ phủ sóng độc quyền của Đài truyền hình quốc gia. Vớt váng 5 năm qua, lần sau lấy cặn lần trước, thì đúng là lấy đâu ra lắm “tài năng ca sĩ trẻ” cho đủ. Trong khi đó, VietNam Idol tuân thủ cách làm quốc tế, là đào tạo, tô vẽ thực sự cho họ và triển khai tốc độ đào tạo tăng dần trong khoảng thời gian kéo dài vừa đủ. Với cách làm của Pop Idol trên toàn thế giới, nhiều tài năng đã được khái phá thực sự, và nhất là Idols của họ đáng ứng đúng nhu cầu của từng thị trường.

Một câu chuyện thú vị không liên quan, một người nước ngoài đã hỏi người viết “Thủ đô mày có past food không?”. “Có, chúng tôi có KFC”. “Có starbuck không?”, “Không rõ, nhưng có cà phê Gloria Jeans”. “Vậy có Pop Idols chứ?”, “Ồ, có, có VietNam idol”. “OK, vậy nước mày cũng sắp công nghiệp rồi, ăn nhanh, uống nhanh và giải trí cũng nhanh”. Câu chuyện nhạt này hoá ra rất chính xác, ở các quốc gia lớn cũng vậy cả thôi. Với tốc độ sống, giải trí hiện đại như hiện nay, nhu cầu của truyền thông giải trí là giữ người xem vào màn hình, còn người xem cũng chỉ có như cầu được thư giãn thoải mái. Ngành giải trí cũng sẽ sớm cần phải có những dây chuyền công nghệ sản xuất ngôi sao nhất thời nhanh chóng. Còn việc lưu giữ giá trị của thành công với các thần tượng âm nhạc Việt Nam ư? Đó là trách nhiệm của họ. Và nếu còn thắc mắc, xin đọc lại bài viết này từ đầu.

Chu Minh Vũ

2 nhận xét: