Thứ Năm, 6 tháng 7, 2006

MÙA THI

Một buổi sáng đến nhiệm sở của tôi bình thường như những buổi sáng khác, nhưng rõ ràng đường đông hơn thường lệ. Đến khu Tôn Đức Thắng- Nguyễn Thái Học mới thấy những bóng áo trắng, dép quai hậu gọn gàng lũ lượt ra vào, mắt không giấu nổi vẻ lo âu và những quầng thâm thiếu ngủ. Ừ nhỉ, mùa thi rồi đấy.


 


9 năm về trước, tôi cũng là một cậu trò nhỏ: 1m61- 53kg. (Nhớ cực kỳ luôn vì phải cân đi cân lại, đo đi đo lại để hoàn tất cái hồ sơ thi Học viên Quân Y). Không ăn gian tẹo nào (Sau 9 năm con số chiều dài tăng 1 cm còn khối lượng lên luôn 10 cân tươi). Ặc


 


Ngày trước, ngày khai giảng nào cũng nhớ điệp khúc “mẹ dắt tay tôi đến trường, con đường ngày nào vẫn đi sao hôm nay thấy lạ” của nhà thơ Thanh Tịnh. Hehe, nhưng để nhắc đến mùa thi là gì: nắng hầm hập, đầu căng thẳng lo âu cũng những bước chân vội vã … 9 năm trước, chúng tôi phải trải qua tất thảy là 3 đợt thi cho 3 trường: Giải 9 cái đề thi, 9 lần ra khỏi cửa với tâm trạng nơm nớp như nhau… Và cũng là ít nhất 9 lần mẹ ở nhà nấu những món ăn ngon nhất, hợp khẩu vị nhất, những ly chè đỗ mát lạnh, những que kem cốm thơm lừng và ngồi bó gối chờ đợi.


 


Mỗi lần nhớ lại mùa thi, tôi không thể nào quên được câu nói bố tôi dặn với theo trước khi tôi ra khỏi nhà- ra khỏi luỹ tre lang- ra khỏi tuổi thơ- ra khỏi vòng tay bố mẹ… Con ạ, cố mà thi đỗ cho các em nó học tập, đầu có xuôi đuôi mới lọt. Vâng, tôi là cái thằng đầu tiên của thế hệ bước ra thi Đại học. Nhà chỉ có một đứa em gái cách 9 tuổi, nhưng có thêm một đống em họ: con cô, con chú, con bác sẽ nhìn vào thằng này mà học tập, phấn đấu. Hồi đấy, tôi cũng chỉ ý thức rằng, đúng mình là một cái gương thật (mờ hay tỏ đâu biết đâu). Tôi bước ra khỏi nhà, ngênh ngênh vì từ nay mình sẽ được lang thang Hà Nội, cái xứ tuy cách nhà không xa và thường nghỉ hè ở đó, nhưng lại nghĩ đến những sự tự khám phá mảnh đất này khiến tôi vui lắm. Chẳng hiểu sao, lúc đó tôi không hề có suy nghĩ rằng kỳ thi đại học không hề dễ, cứ nghĩ rằng hiển nhiên mình sẽ đậu như trong lá số đã ghi như vậy vậy.


 


Nhìn những phụ huynh địa phương ngồi vật vờ ở những địa điểm thi, gương mặt lo âu căng thẳng đến mức giọt mồ hôi cứ đọng mãi trên khoé mắt. Tôi nhớ về mẹ của mình. Trước ngày thi và cả những ngày thi thố, mẹ thường nghỉ đi làm. Đi chợ từ rất sớm với kế hoạch nấu ăn cho cả một ngày. Tôi ra khỏi cửa là bà sẽ quay vào ngay với kế hoạch ấy, dù tôi biết bà không phải là người yêu chuyện bếp núc và khéo tay nấu nướng. Nhưng tôi có thể ăn ngon lành tất cả những món mẹ nấu bởi không cần phải nói, tôi cũng biết đó là những món sở trường, thậm chí những món mà ngày thường mình mong muốn được nhón một miếng cho bõ thèm… Tôi nhớ từng ánh mắt lo âu, từng cơn gió quạt nan khi bà đón tôi trở về nghỉ trưa. Dường như, bà chỉ muốn biết tôi đã làm tốt, bà có thể ngồi đó nhìn tôi ăn, tôi vui vẻ nhắc lại bài làm là bà đã no rồi thì phải…


 


Giờ nhìn lại, quả thực mới biết áp lực của xã hội VN còn quá nặng nề chuyện bằng cấp. Áp lực ấy đè nặng lên từng gia đình, từng ông bố bà mẹ. Áp lực ấy đè lên vai những đứa trẻ 18 tuổi hoặc hơn thế nếu nó không qua được ở tuổi 18. Như gia đình tôi chẳng hạn, mẹ làm giáo viên- bố làm hiệu trưởng, con mà trượt đại học thì bố mẹ còn mặt mũi nào mà nhìn phụ huynh học sinh… Ngày ấy, dù gì thì gì tôi cũng vẫn cứ hồn nhiên mà vào phòng thu, nhìn ngang nhìn dọc, tán chuyện cả với giám thị cho đến khi nhận đủ giấy thi và đề bài. Còn nhớ như in, hồi thi ở Đại học Y HN môn Hoá, làm hết đề mới hết hơn một tiếng. Làm thêm một cách giải nữa với những giải thích cặn kẽ vì cứ sợ người chấm không hiểu tại sao. Vậy mà vẫn nộp bài ra sớm đi lượn lờ trong Đại học Y. Lúc ấy còn gặp cả một người rất nổi tiếng là GS Tôn Thất Bách (không hề biết ông đang là hiệu trưởng), hỏi mình rất dè chừng: đề khó quá hả em? Dạ không ạ, đề dễ quá nên em làm xong hết rồi. Ặc ặc… thế mà chấm điểm kiểu gì thằng bé chỉ được 9 điểm tròn trịa (mát mặt ông thầy dạy Hoá vì … điểm thi Toán môn của thầy chủ nhiệm lớp chuyên Toán lại cực tởm: 2,5). Sau này nhận giấy báo điểm mới biết, mình cũng chưa thuộc dạng Top điểm cao của lớp khi có khối đứa điểm 10 từng môn Toán, Lý, Hoá. À, nhưng tự dưng cũng nhớ ra là mình cũng có niềm vui, chính cái trường Đại học Dược của mình- hồi đó thi cả khối B, sinh viên nhập trường có điểm thi môn Sinh cao nhất chính là mình: 8 điểm, ặc. (môn này chỉ học gạo khoảng một năm lớp 12 là cũng, 2 năm trước toàn học Toán Hoá). Còn nhớ cô giám thị coi thi- hoá ra sau này biết là sinh viên năm thứ 4, khi thấy mình xin giấy ác quá còn chạy xuống hỏi: em bỏ tờ giấy nào để nộp lại cho cô để huỷ. Dạ không ạ, em đang làm bài đấy chứ. Hồi đấy mình viết tay cũng nhanh thật, khiếp người, 180 phút mà viết kín 6 tờ giấy thi. Ặc.


 


Nhanh thật, thế là cũng đã 9 năm kể từ ngày mình bước qua mùa thi một cách an toàn và nhẹ nhàng. Ai mà biết, kể từ cái mùa hè nóng đến 40 độ năm ấy, tôi đã hoàn toàn khác. Cái bằng Đại học ra trường giờ đây chỉ còn có tính chất xếp bảng lương công chức. Tôi đã lựa chọn một công việc hoàn toàn khác nghiệp mà Giảng đường Đại học đã dạy tôi. Thực ra, tôi vẫn luôn cho rằng Nghề nghiệp đã chọn mình chứ mình không chọn nó được. Tôi đã theo ý gia đình và chọn nghề hoàn tán đấy chứ. Nhưng ai mà biết rồi có lúc, có một thằng điên bỏ cái nghề hiếm người- hái ra tiền để đi phơi mặt ngoài đường hàng ngày, rồi về gõ như điên loạn bàn phím máy tính, bô lô bô loa đủ kiểu trên mọi phương tiện truyền thông. Tôi không biết mình đã đúng hay sai nữa, vì còn lâu mình mới nhận ra được điều này. Nhưng tôi biết, nếu mình làm hay theo đuổi một công việc gì mình yêu thích, mình say mê và chịu khó học hỏi thì chắc chắn nghề sẽ không phụ nghiệp. Bọn trẻ con 8X sau này tôi gặp hoặc nhìn thấy, chúng nó có hạnh phúc hơn tôi nhiều khi được tự lựa chọn con đường đi của mình. Chúng được đào tạo cho những khát vọng công việc của mình nữa… Điều an ủi duy nhất là nhiều khi nhìn nhận lại sự lựa chọn của mình vẫn thấy được. Ít ra, có không biết bao nhiêu đứa được đào tạo công việc rồi cũng chẳng làm việc ra sao. Nhiều đứa bạn ra trường lại quay trở về vói luỹ tre làng chấp nhận một đời viên chức, chầu chực chờ cơ hội lên sếp. Và cũng không ít đứa đến khi ra trường rồi vẫn nằm nhà bố mẹ nuôi, đi xin việc cũng mất cả tiền triệu số trăm… Tôi có thể không làm vui lòng bố mẹ nhưng ít nhất, hy vọng ông bà cũng không đến mức phải lo lắng nhiều vì tôi.


 


Nhớ lại quãng thời gian 9 năm trước, sao nhiều điều để nhớ đến thế. Thôi, điều nhớ cuối cùng dành cho một cô bạn tóc ngắn khoá K53 đại học. Anh rất nhớ trường Trần Phú của em- dù nó chỉ là một địa điểm thi đại học của anh thôi. Nhưng anh vẫn giành cho nó một góc nhớ rất riêng về một môi trường thực sự đáng mơ ước. Và giống như em, trường Trần Phú vừa kiêu hãnh vừa đẹp dịu dàng. Có lẽ, anh chỉ nên đứng xa nhìn và yêu nó mà thôi. Cả nó và em không bao giờ thuộc về anh cả, phải không em!


 

1 nhận xét:

  1. Em ko có cái cảm giác của anh vì lúc em đi làm thì các cô các cậu học sinh đi thi đã vào phòng thi. Lúc về tới nhà thì các cô các cậu ý chắc cũng ko ai còn ở ngoài đường :) Nhưng những hhình ảnh nhìn thấy thì lại là hình ảnh mà mình đã ko có, nói đúng hơn là mình từ chối. Hình ảnh đó là hình ảnh bố mẹ các thí sinh đợi con mình thi. Chuyện kể dài dòng lắm, chắc có lẽ đợt thi tới sẽ cố dậy sớm đi lang thang một chút để có cảm hứng về viết và ôn lại nhưng gì trước đây khi mình đi thi. Chi tiết xin chui qua blog của Jundat. ha ha
    Ah mà anh ơi, bây giờ vẫn ko ít người vẫn bị áp lực của gia đình khi chọn trường đâu. Chúng nó vẫn phài gò mình học và ngồi vừa học vừa đập muỗi tại các lớp học thêm, các lò luyên thi. Đôi khi không vì bản thân mà là vì gia đình và vi mình là một tấm gương như câu chuyện của anh.

    Trả lờiXóa